Cuộc khủng hoảng tại Syria lên tới đỉnh điểm sau khi lực lượng nổi dậy tiến vào thủ đô Damascus ngày 8/12/2024 và thông báo về sự kết thúc của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau 24 năm cầm quyền. Bộ Ngoại giao Nga cũng đã xác nhận Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã từ chức và rời khỏi đất nước sau khi chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

[Trong ảnh: Lực lượng đối lập Syria ở Homs. Ảnh: Reuters]

Cuối tháng 11/2024, tình hình xung đột tại Syria leo thang đáng kể khi phe nổi dậy phát động các cuộc tấn công lớn. Từ ngày 27/11, lực lượng nổi dậy tại Syria, do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, đã phát động các cuộc tấn công lớn trên một số mặt trận ở Syria, chiếm giữ các thành phố quan trọng như Aleppo và Hama.

Chiều 6/12, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thuộc phe nổi dậy đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Deir el-Zor, biến đây trở thành thành phố thứ ba rơi khỏi quyền kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ trong vòng một tuần.

Sáng 8/12, chỉ huy lực lượng nổi dậy Syria, Hassan Abdul Ghany, cho biết đã “hoàn toàn giải phóng” thành phố Homs ở miền Trung Syria, một giao lộ quan trọng giữa thủ đô của Syria và Địa Trung Hải. Việc mất quyền kiểm soát Homs không chỉ làm lung lay quyền lực kéo dài 24 năm của Tổng thống Bashar al-Assad mà còn đặt thủ đô Damascus vào tình thế bị đe dọa nghiêm trọng khi quân nổi dậy tiến nhanh về phía này và thực tế cho thấy lực lượng nổi dậy ngày 8/12 đã tiến vào Damascus buộc Tổng thống al-Assad phải rời bỏ đất nước.

Sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, lực lượng đối lập Syria đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô.

Cùng ngày 8/12, Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria đối lập Hadi Al-Bahra tuyên bố Syria cần giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng để tạo dựng một môi trường an toàn, trung dung và yên tĩnh cho các cuộc bầu cử tự do. Syria cần soạn thảo hiến pháp trong vòng 6 tháng, và cuộc bầu cử đầu tiên sẽ là tổng tuyển cử. Theo đó, Hiến pháp sẽ quyết định Syria theo thể chế nghị viện, thể chế tổng thống hay kết hợp cả hai thể chế trên; từ đó bầu cử được tiến hành để người dân lựa chọn người lãnh đạo.

Với việc lực lượng đối lập tuyên bố kiểm soát thủ đô và lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, Syria được dự đoán sẽ đối mặt với tương lai bất định. Việc thiết lập một hệ thống quản trị mới ở Syria sẽ là "thách thức vô cùng lớn" đối với lực lượng đã lật đổ chính quyền Syria.

Việc Syria rơi vào tình trạng bất ổn lâu dài cũng sẽ dẫn đến nhiều hỗn loạn hơn ở Trung Đông, khu vực vốn đã chìm trong xung đột do hàng loạt cuộc đụng độ, đối đầu giữa Israel với người Palestine, giữa Israel và Iran hay giữa Israel với các nhóm vũ trang Hồi giáo ở Trung Đông.