Kinh tế tháng 5 tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước 5 tháng tăng 8,8% và tháng 5 tăng 9,4%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tăng từ 45,6 điểm trong tháng 4 lên 49,8 điểm trong tháng 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 10,2% và 5 tháng tăng 9,7%.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng tăng bình quân 3,21%; thu ngân sách nhà nước 5 tháng gần 1,14 triệu tỷ đồng, đạt gần 58% dự toán năm, tăng 24,5%. Trong tháng 5, xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 14,1%; 5 tháng xuất khẩu đạt 180,2 tỷ USD, tăng 14%, nhập khẩu đạt gần 175,6 tỷ USD, tăng 17,5%, xuất siêu 4,67 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc rõ rệt với ước giải ngân đến hết tháng 5 là 199,3 nghìn tỷ đồng, đạt 24,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 2,5% về tỷ lệ và 56 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ. Lãi suất duy trì ổn định, có xu hướng giảm, dư nợ tín dụng tăng khá; thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh.

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sang với tổng vốn FDI đăng ký 5 tháng đạt khoảng 18,4 tỷ USD, tăng khoảng 51%; vốn FDI thực hiện đạt trên 8,9 tỷ USD, tăng 7,9%. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín, các nước, đối tác đã đánh giá cao những nỗ lực và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.