Cộng đồng người Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, Lai Châu (Ảnh Trần Văn Hoàng)

“Nơi thức dậy núi đã đầy trong mắt

Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều”

Có nhà thơ đã phác họa vẻ đẹp hùng vĩ, huyền ảo của Lai Châu như vậy. Địa hình được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam đã tạo cho Lai Châu nhiều đèo dốc, nhiều thung lũng hẹp và sâu, cùng vô số sông suối, thác nước chảy qua những cánh rừng nguyên sinh. Tiêu biểu như động Tiên Sơn, thác Tắc Tình, suối khoáng nóng Vàng Pó, cao nguyên Sìn Hồ, khu rừng nguyên sinh Pu Sam Cáp với các hang động liên hoàn Thiên Môn, Thủy Tinh, Thiên Đường...

Mặt khác, Lai Châu còn là mảnh đất lưu giữ nhiều tài nguyên lịch sử và nhân văn. Nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện ở Nậm Tun, Mường So (Phong Thổ) là minh chứng cho nền văn minh của người Việt cổ nơi đây, có ý nghĩa khoa học lớn lvà hấp dẫn khách tham quan, tìm hiểu.

 Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi những cảnh đẹp kỳ thú, Lai Châu còn có nền văn hóa đặc trưng và đa dạng từ 20 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, gồm các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Si La.