Ngày 24/12/2024 (theo giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này được mở ký tại thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.

[Ảnh trên: Đại diện Phái đoàn Việt Nam phát biểu tại sự kiện thông qua Công ước Hà Nội, chiều 24/12/2024 (giờ New York). Ảnh: TTXVN phát]

Việc Liên hợp quốc lựa chọn thủ đô Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm 2025 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam, đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung.

Lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến một lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Lựa chọn này phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán Công ước.

Đăng cai Lễ mở ký “Công ước Hà Nội” cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò một thành viên có trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tạo tiền đề triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số để đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng (Công ước Hà Nội) gồm 9 Chương và 71 Điều. Đây là kết quả của gần 5 năm đàm phán liên tục và kéo dài giữa các quốc gia thành viên, nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.

Sau gần 20 năm kể từ Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm xuyên quốc gia, cộng đồng quốc tế mới có thêm một khuôn khổ pháp lý đa phương để xử lý tội phạm trong không gian mạng, góp phần thu hẹp những khác biệt giữa pháp luật các nước, thiết lập cơ chế hợp tác chuyên trách 24/7, qua đó thúc đẩy hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện cho nỗ lực chuyển đổi số của các quốc gia.