Thầy cúng dùng lông gà được phết máu và dán lên gốc cây cổ thụ, đây là một hình thức báo với thần rừng là dân làng đã dâng lễ vật lên Thần rừng. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Giữa những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ của Nà Hẩu, có một nghi lễ đã tồn tại lâu đời trong đời sống tâm linh của người Mông - Lễ Cúng rừng. Đây là nghi lễ quan trọng, lớn nhất trong năm và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông xã Nà Hẩu.

Trong tín ngưỡng của người Mông Nà Hẩu, rừng không chỉ là nơi che chở, nuôi dưỡng họ qua bao thế hệ, mà còn là thực thể linh thiêng, có hồn và có quyền năng. Người Mông quan niệm "Rừng là cha, đất là mẹ" và từ đời này sang đời khác, người Mông truyền nhau câu ca "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn". Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, đến nay việc bảo vệ rừng đã trở thành lệ của bản, được đời đời duy trì và phát huy.

Và Lễ Cúng rừng như một lời cảm tạ gửi đến thần rừng, thần núi, cầu mong sự bình an, mùa màng tươi tốt, muôn vật sinh sôi.

Ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3980/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ cúng rừng của người Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.