Hà Nội (TTXVN 9/10/2023)
Những ngày qua, việc Phong trào Hồi giáo Hamas-lực lượng đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza-phát động cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10/2023 đã khiến những xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine trong nhiều năm qua lại bị thổi bùng lên.
Mảnh đất Trung Đông, “rốn dầu” của thế giới, từ lâu đã được coi là một “chảo lửa” bởi nơi đây đã trải qua bao thập niên chiến tranh xung đột triền miên với những mâu thuẫn chồng chất khó hòa giải. Tuy nhiên, thực chất và cốt lõi nhất trong vấn đề hòa bình ở Trung Đông vẫn là mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Những ân oán lịch sử trong việc tranh chấp lãnh thổ, tôn giáo… là nguyên nhân sâu xa gây ra cuộc xung đột dai dẳng nhất hành tinh này.
Cùng điểm lại những mốc sự kiện quan trọng trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine:
- Ngày 29/11/1947: Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết xóa bỏ quyền ủy trị của Anh ở Palestine và chia cắt vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập, của người Arab (đó là Nhà nước Palestine) và người Do Thái. Ngày 14/5/1948, Nhà nước Do Thái được thành lập lấy tên là Israel. Song, các nước Arab không công nhận nghị quyết này.
Sáu cuộc chiến tranh Trung Đông đã diễn ra kể từ thời điểm đó, cùng với hàng chục cuộc đụng độ, xung đột quy mô vừa và nhỏ.
Trong các cuộc chiến tranh với các nước Arab, Israel đã chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ dành cho quốc gia Arab, Cao nguyên Golan của Syria, bán đảo Sinai của Ai Cập và miền Nam Liban. Bán đảo Sinai sau đó đã được trao trả cho Ai Cập theo Hiệp định hòa bình Ai Cập-Israel ký năm 1979.
Trong số những vùng đất mà Israel đã chiếm đóng có Dải Gaza - một vùng đất thiêng liêng đối với cả người Palestine và người Israel.
Dải Gaza là một dải đất hẹp ở ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ với Ai Cập ở phía Tây Nam và Israel ở phía Bắc và phía Đông, và về mặt pháp lý không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Đây là vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, với khoảng 1,5 triệu người sống trên khu vực diện tích 360 km².
- Đầu những năm 1970: Muốn dứt khoát khẳng định chủ quyền, Israel đã dùng chính sách xây các khu nhà định cư, cho phép người Do Thái đến làm ăn, sinh sống dưới sự bảo vệ của quân đội Israel. Trong khi đó, người Palestine cũng đến Gaza để định cư.
Và hậu quả là những cuộc đụng độ giữa người Do Thái và người Palestine đã thường xuyên diễn ra, cướp đi bao nhiêu mạng sống của những người dân vô tội của cả hai bên.
- Ngày 13/9/1993: Trong nỗ lực mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông, tại Washington (Mỹ), Chủ tịch PLO Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yizhak Rabin đã ký Hiệp định Oslo, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Theo hiệp định, phía Palestine đồng ý công nhận Israel, đổi lại, phía nhà nước Do Thái phải bắt đầu tiến hành rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây và Dải Gaza trong vòng 5 năm để tạo điều kiện cho việc thành lập nhà nước Palestine độc lập. Vào thời điểm đó, Hiệp định này được coi là một bước đột phá tích cực trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
- Ngày 18/5/1994: Trên cơ sở của Hiệp định hòa bình Oslo, quân đội Israel thực hiện một phần việc rút quân và chuyển giao quyền kiểm soát cho chính quyền Palestine mới được thành lập để điều hành một số khu vực thuộc Dải Gaza và khu Bờ Tây. Trên cơ sở Hiệp định, Israel và Palestine đã tiến hành nhiều vòng đàm phán gay go và phức tạp nhưng không đạt được giải pháp hiệu quả nào.
- Tháng 2/2001: Sau khi ông Ariel Sharon đắc cử Thủ tướng Israel, tiến trình hòa bình Trung Đông lại bị phá vỡ khi ông Saron đã bác bỏ tất cả những thỏa thuận mà chính quyền Israel đã cam kết trước đó, ra lệnh phong tỏa khu bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza, tiếp tục mở rộng khu định cư Do Thái, tuyên bố Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel.
- Tháng 2/2005: Chính phủ Israel đã thông qua kế hoạch đơn phương rút quân khỏi Dải Gaza. Theo đó, dỡ bỏ toàn bộ các khu định cư của người Israel và dời toàn bộ người định cư cùng các căn cứ quân sự khỏi Dải Gaza. Tiến trình được hoàn thành vào ngày 12/12/2005 khi chính quyền Israel chính thức tuyên bố kết thúc giai đoạn cai trị quân sự ở Dải Gaza sau 38 năm kiểm soát. Dải Gaza thuộc quyền tài phán của chính quyền Palestine và họ cũng kiểm soát biên giới của Dải Gaza với Ai Cập, còn Israel vẫn giữ quyền kiểm soát không phận và đường bờ biển.
Tuy nhiên, kể từ sau khi Israel rút quân khỏi Dải Gaza vào năm 2005 và việc Phong trào Hồi giáo Hamas nắm quyền kiểm soát ở Dải Gaza (từ tháng 6/2007), đã có nhiều đợt xung đột bùng phát giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine tại khu vực này.
- Ngày 27/12/2008: Israel phát động cuộc tấn công quân sự kéo dài 22 ngày ở Gaza sau khi phía Palestine bắn tên lửa vào thị trấn Sderot ở miền Nam Israel, khiến khoảng 1.400 người Palestine và 13 người Israel được cho là đã thiệt mạng trước khi lệnh ngừng bắn được ký kết.
- Ngày 14/11/2012: Israel tiêu diệt Tham mưu trưởng quân đội của lực lượng Hamas, Ahmad Jabari, dẫn đến các đợt giao tranh qua lại kéo dài 8 ngày giữa các tay súng Palestine và phía Israel.
- Tháng 7 đến tháng 8/2014: Vụ Hamas bắt cóc và sát hại 3 thiếu niên Israel đã dẫn đến cuộc đụng độ kéo dài 7 tuần, trong đó hơn 2.100 người Palestine được cho là đã thiệt mạng ở Gaza và 73 người Israel cũng chịu chung số phận, trong đó 67 người là quân nhân.
- Tháng 3/2018: Các cuộc biểu tình của người Palestine bùng phát tại khu vực hàng rào giữa Gaza với Israel. Quân đội Israel nổ súng để ngăn chặn người biểu tình. Hơn 170 người Palestine được cho là đã thiệt mạng trong nhiều tháng diễn ra đợt biểu tình này, đồng thời dẫn đến việc thúc đẩy giao tranh giữa lực lượng Hamas và phía Israel.
- Tháng 5/2021: Sau nhiều tuần căng thẳng trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, hàng trăm người Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem.
Sau khi yêu cầu Israel rút lực lượng an ninh khỏi khu vực này, phía Hamas đã phóng một loạt tên lửa từ Gaza vào Israel. Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza. Giao tranh kéo dài 11 ngày, khiến ít nhất 250 người ở Gaza và 13 người ở Israel thiệt mạng.
- Tháng 8/2022: Ít nhất 44 người, trong đó có 15 trẻ em, đã thiệt mạng chỉ trong 3 ngày bùng phát bạo lực khi phía Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào một chỉ huy cấp cao của nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad của Palestine.
Israel cho biết các cuộc tấn công là hoạt động phủ đầu chống lại một cuộc tấn công sắp xảy ra của nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad. Đáp lại, nhóm này đã bắn hơn 1.000 quả tên lửa về phía Israel.
- Tháng 1/2023: Nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad ở Gaza bắn hai quả rocket về phía Israel sau khi quân đội Israel đột kích vào một trại tị nạn và giết chết 7 tay súng Palestine cùng 2 thường dân.
Đợt tấn công này không gây thương vong cho các cộng đồng người Israel. Phía Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào Gaza.
- Ngày 7/10/2023: Lực lượng Hamas phát động cuộc tấn công lớn nhất từ Dải Gaza vào Israel trong nhiều năm, với một loạt tên lửa được phóng về phía Israel. Nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad cho biết, các tay súng của nhóm này cũng tham gia cuộc tấn công trên.
Đáp trả lại, quân đội Israel thông báo đang trong “tình trạng chiến tranh”, đồng thời đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Hamas ở Gaza.
Tính đến ngày 9/10/2023, xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel vẫn chưa hạ nhiệt. Theo số liệu của cơ quan y tế Gaza, gần 500 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7/10/2023. Trong khi đó, thống kê của quân đội Israel (IDF) cho biết hơn 700 người Israel đã thiệt mạng và 1.200 người bị thương trong các cuộc tấn công của Hamas…/.
Trọng Đức (tổng hợp)