Hà Nội (TTXVN 12/10/2022) Cách đây một năm, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu dịch bệnh COVID-19. Nghị quyết là bước ngoặt lịch sử trong nhận thức và chiến lược chống COVID-19 của Việt Nam, chuyển từ "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả". Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế-xã hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, những kết quả này càng có ý nghĩa khi thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.

 

 

 

Chú thích

 

* Nghị quyết 128 - đúng đắn và quyết đoán
Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt phòng, chống đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ, trong đó đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) với tốc độ lây lan khủng khiếp của virus SARS-CoV-2, từ các tỉnh, thành phố miền Bắc đến các địa phương tại miền Nam và miền Trung; số ca mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo và cao gấp trăm nghìn lần cả ba đợt dịch trước cộng lại; đẩy thành phố đầu tàu cả nước vào một cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử và để lại một hậu quả hết sức nặng nề. 
Từ thực tiễn tình hình, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Trên tinh thần này, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, kiên định mục tiêu "bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới".
Nghị quyết 128 đã được dư luận, người dân đánh giá cao và cho rằng đã tạo bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng “đóng băng” trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian trước đó; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Có thể khẳng định đây là những quyết định quan trọng và mạnh mẽ, thể hiện sự sáng suốt, quyết liệt của Chính phủ, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Các quyết định sáng suốt mang tầm chiến lược đã chứng minh hiệu quả trong phục hồi và phát triển kinh tế để đưa Việt Nam là một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.

 

* Những kết quả ấn tượng
Một năm sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, dịch COVID-19 được kiểm soát ngày càng vững chắc hơn, tình hình kinh tế-xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng, nổi bật trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động.
- Kiểm soát thành công dịch bệnh: đến nay dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Tỷ lệ tử vong trên tổng số mắc ở Việt Nam là 0,02%, trong khi trung bình thế giới xấp xỉ 1,2%. Trong nhiều tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 mới và bệnh nhân COVID-19 nặng, ca tử vong tiếp tục giảm. Thống kê cấp độ dịch mới nhất cho thấy, đến ngày 3/10, cơ bản gần như cả nước đã là vùng xanh. Hiện toàn quốc có 50 tỉnh, thành phố có 100% xã, phường thuộc vùng xanh (nguy cơ dịch thấp).
Xác định vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất với phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất”. Nhiều biện pháp để thúc đẩy tiếp cận, bảo phủ vaccine đã được triển khai khoa học, đồng bộ, hiệu quả, trên mọi phương diện như thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19; ngoại giao vaccine; tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vaccine. Tính đến 30/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 260 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã đạt mục tiêu.
Những thành tựu này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, “là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19”. Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, Nghị quyết 128 là dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá chuyển sang trạng thái chung sống với COVID-19, quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát... 
- Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục: Nghị quyết 128 đã có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước. Nếu như vào cuối tháng 9/2021, Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng GDP với mức giảm rất sâu -6%, nguyên nhân chủ yếu do thời gian trước đó, chúng ta hạn chế sự di chuyển của người dân nhằm hạn chế sự lây lan khốc liệt của dịch COVID-19. Thì sau khi thực hiện Nghị quyết 128, ngay trong quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Đến quý III/2022, cùng với Nghị quyết 128, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đã được phục hồi và được duy trì cho đến nay, hướng đến phục hồi, tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, kết quả tăng trưởng quý III/2022 và 9 tháng năm nay với con số tăng trưởng GDP 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng đạt tăng trưởng 8,83% - mức tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế như xuất nhập khẩu, xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD, xuất khẩu tăng hơn 17%, nhập khẩu tăng 13%, lạm phát chỉ 2,73%, các dòng vốn tiếp tục vào Việt Nam, FDI thực hiện tăng cao nhất trong 5 năm vừa qua...
Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mặc dù năm nay, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào sản xuất tăng rất cao nhưng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 vẫn tiếp tục tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.  
Với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1,8 triệu lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa có dịch COVID-19. Những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Nghị quyết 128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế đất nước. Từ vị trí cuối bảng năm 2021, đến quý III/2022, chỉ số phục hồi sau COVID-19 của Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới. Mới nhất, Moody's ngày 6/9 đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương "đây không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất bởi nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi. Có thể thấy, Nghị quyết 128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế đất nước”.
- Thị trường lao động khởi sắc: đợt dịch thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân trên cả nước. Ước tính số người bị mất việc làm do đại dịch trong năm 2021 chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng việc; gần 50% số người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; khoảng 80% số người bị giảm thu nhập.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết, bức tranh thị trường lao động Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Thị trường lao động quý III/2022 tiếp tục phục hồi, cơ cấu đã bền vững hơn. Trong đó, lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc giảm. Trong quý III, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255.200 người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng thời điểm năm 2021-thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Tính chung 9 tháng, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là gần 1,08 triệu người, giảm 251.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64%.
- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, xử lý đúng hướng, kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh.

* Tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới
Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 128, có thể thấy Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, tập hợp nhiều nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch linh hoạt. Căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương, các địa phương đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn; chủ động, linh hoạt bám sát tình hình và áp dụng các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128.
Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng, PGS.TS. Trần Đắc Phu khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết 128 vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng. Theo đó, Việt Nam định hướng chiến lược kiểm soát được dịch bệnh, phát triển kinh tế và luôn thích ứng an toàn các giải pháp phòng, chống dịch trên cơ sở đánh giá đúng nguy cơ của dịch bệnh: "Nếu không đánh giá đúng nguy cơ dịch thì chúng ta sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh, còn nếu đáp ứng thái quá thì gây tổn hại về phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên cả nước”. Theo ông Trần Đắc Phu, điều này thể hiện sự “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và là những điểm vẫn còn phù hợp của Nghị quyết 128 cho đến thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, đánh giá về sự chuyển hướng chiến lược có ý nghĩa quyết định trong việc triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: Nghị quyết là sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp chống dịch và phát triển kinh tế. Trước khi có Nghị quyết 128, doanh nghiệp rất lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, vì không lường trước được các biện pháp chống dịch. Sau khi có Nghị quyết, doanh nghiệp khôi phục được niềm tin, xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng có thể bị chấm dứt hay gián đoạn. Người dân cũng vậy, họ bắt đầu xây dựng cho mình kế hoạch sinh sống, làm việc dài hạn hơn…
Khi dịch COVID-19 được cơ bản kiểm soát và bước vào giai đoạn bình thường mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP (tháng 3/2022) tiếp tục kiên định mục tiêu bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ đã thay đổi biện pháp phòng, chống dịch từ nguyên tắc "5K + vaccine, thuốc + công nghệ thông tin + ý thức người dân" sang "2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân" và các biện pháp khác.
Nhìn chung, các tầng lớp nhân dân đều tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch. Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, 96% người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ - xếp ở vị trí cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, song Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia vẫn nhận định, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; đồng thời khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững. Trong khi đó, dự báo tình hình kinh tế-xã hội trên thế giới còn diễn biến phức tạp; tình hình trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi tích cực nhưng có khả năng khó khăn hơn vào cuối năm 2022 và năm 2023 với áp lực lạm phát còn cao.
Nhưng với những thành quả và kinh nghiệm có được, chắc chắn cả nước sẽ tiếp tục vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được các mục tiêu theo các trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Trọng Đức (tổng hợp)