Hà Nội (TTXVN 7/11/2023) Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza đã kéo dài một tháng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel hôm 7/10/2023, hiện vẫn diễn biến căng thẳng và phức tạp, nguy cơ chiến tranh lan rộng vẫn thường trực. Theo thống kê tính đến ngày 6/11 của Cơ quan Y tế tại Dải Gaza, ít nhất 10.022 người Palestine đã thiệt mạng trong các vụ tấn công trả đũa của Israel vào Gaza, trong đó có 4.104 trẻ nhỏ và hàng nghìn dân thường. Bên phía Israel, số người thiệt mạng là khoảng 1.400 người, chủ yếu là dân thường.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống trại tị nạn al-Mughazi ở Deir Balah, Dải Gaza, ngày 5/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

* Xung đột liên tục leo thang

Từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát ngày 7/10/2023, cộng đồng quốc tế vẫn không ngừng gây sức ép buộc cả Israel và lực lượng Hamas đang kiểm soát Dải Gaza ngừng bắn và chấm dứt giao tranh. Trong khi khi Israel yêu cầu Hamas trả tự do cho các con tin bị bắt giữ ngày 7/10 thì Hamas khẳng định sẽ không làm điều này hay ngừng giao tranh khi Israel vẫn tiếp tục tấn công Dải Gaza.

Tròn một tháng kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Hamas-Israel, các lực lượng của Israel vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công dữ dội vào các tay súng Hamas tại Dải Gaza. Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6/11 cho biết nước này không ủng hộ lệnh ngừng bắn toàn diện trên Dải Gaza, mà chỉ xem xét tạm dừng tấn công để tạo điều kiện cho hàng cứu trợ vào khu vực này hoặc việc trả tự do cho các con tin. Ông Netanyahu cho biết đến nay Israel đã thực hiện các đợt ngừng bắn về mặt kỹ thuật ở một số nơi trong khoảng thời gian ngắn. Israel có thể đồng ý với những giai đoạn tạm dừng tấn công trong thời gian ngắn để đưa hàng hóa cứu trợ nhân đạo vào Dải Gaza hoặc cho phép các con tin rời khỏi vùng lãnh thổ đang bị phong tỏa này của Palestine. Về vấn đề an ninh ở Dải Gaza, Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel sẽ giữ vai trò đảm bảo an ninh chung tại đây trong một giai đoạn không xác định, sau khi cuộc xung đột hiện tại với phong trào Hồi giáo Hamas kết thúc. Ông nhấn mạnh khi Israel không đảm nhận trách nhiệm an ninh ở dải đất này thì điều nhận lại là cuộc tấn công của Hamas ở quy mô không lường trước được.

Trước tình hình leo thang xung đột giữa Israel và Hamas, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 5/11 công bố hình ảnh máy bay ném bom B-1 - loại máy bay có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân - đang hoạt động ở khu vực Trung Đông. Trước đó, Mỹ đã tiết lộ thông tin triển khai tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio tới khu vực. Quân đội Mỹ đã đăng hình ảnh một chiếc tàu ngầm xuất hiện gần Cầu kênh đào Suez của Ai Cập. Tàu ngầm Ohio là loại tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang theo vũ khí hạt nhân, với sức răn đe lớn và luôn được triển khai cùng các lực lượng hoạt động đặc biệt. Giới phân tích nhận định việc Mỹ công bố 2 trong bộ ba hạt nhân của nước này có mặt tại Trung Đông cho thấy động thái điều động chưa từng có của Washington tại khu vực này. Bộ ba hạt nhân của Mỹ gồm bom hạt nhân trên máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hạt nhân trên tàu ngầm và tên lửa đạn đạo trên đất liền. 

Giữa bối cảnh Thủ tướng Israel Netanyahu đã loại trừ khả năng thực thi bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nào cho đến khi tất cả các con tin bị phía Hamas bắt giữ được thả, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh vẫn đang thúc đẩy “các khoảng dừng nhân đạo” trong cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel tại Gaza nhằm đảm bảo người dân ở vùng lãnh thổ bị bao vây này nhận được sự giúp đỡ.

Tình hình nhân đạo tại Dải Gaza cũng đang xấu đi nhanh chóng. Cơ quan Y tế Dải Gaza cho biết ít nhất 10.022 người dân ở vùng lãnh thổ này đã thiệt mạng, trong đó có 4.104 trẻ em, kể từ khi xung đột nổ ra. Bên phía Israel, số người thiệt mạng là khoảng 1.400 người, cũng chủ yếu là dân thường, và hơn 240 người bị phía Hamas bắt giữ. Israel đã tấn công đáp trả nhằm vào Dải Gaza, phong tỏa toàn bộ vùng đất này, gây nhiều khó khăn trong công tác điều trị người bị thương, dẫn đến khan hiếm nhu yếu phẩm, nước và nhiên liệu trong khi hàng cứu trợ được đưa vào không đủ để đáp ứng nhu cầu. Hiện 16 trong tổng số 35 bệnh viện ở Gaza đã ngừng hoạt động do các cuộc tấn công của Israel và tình trạng thiếu nhiên liệu. Tính đến nay đã có khoảng 800.000 người Palestine đã chạy xuống phía Nam để lánh nạn, trong bối cảnh Israel đã bao vây hoàn toàn thành phố Gaza và chia cắt vùng lãnh thổ này thành hai miền.

Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNWRA) cho biết 88 nhân viên của tổ chức này đã thiệt mạng kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát hôm 7/10. Đây là con số thương vong cao nhất Liên hợp quốc ghi nhận trong một cuộc xung đột.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell, nhận định cuộc tấn công của Hamas là một “ngã rẽ trong lịch sử” và điều này sẽ tác động đến tương lai của Trung Đông trong nhiều thập kỷ. Theo ông, “thảm kịch” diễn ra ở Trung Đông đang khiến người dân Israel và Palestine phải trả giá đắt. Trước đó, lãnh đạo của tất cả các cơ quan quan trọng thuộc Liên hợp quốc ngày 5/11 đã cùng ra tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại trước số dân thường thiệt mạng ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi lệnh “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.

Hoạt động cứu hộ được triển khai sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 6/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

* Lịch sử thương đau tại Dải Gaza

Dải Gaza là một khu vực nhỏ giáp Israel và Ai Cập trên biển Địa Trung Hải. Gaza là một phần của Đế chế Ottoman trước khi bị Vương quốc Anh chiếm đóng từ năm 1918-1948 và Ai Cập từ năm 1948-1967. Khu vực này hiện là nơi sinh sống của 2,3 triệu người.

Gần 20 năm sau khi Israel tuyên bố trở thành nhà nước vào năm 1948, nước này đã chiếm được Dải Gaza từ Ai Cập và Bờ Tây từ Jordan trong cuộc chiến năm 1967. Người Palestine tuyên bố chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ này và coi chúng là một phần của nhà nước tương lai.

Năm 1993, các hiệp định Oslo giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được ký kết nhằm mục đích thực hiện “quyền tự quyết của người dân Palestine”. Năm 1994, người Palestine nắm quyền kiểm soát với tư cách là chính quyền ở Gaza.

Israel tuân theo kế hoạch rút quân đơn phương do Thủ tướng Ariel Sharon đề xuất vào năm 2003 nhằm dỡ bỏ các khu định cư của Israel trên Dải Gaza. Năm 2005, Israel từ bỏ quyền kiểm soát Dải Gaza dưới áp lực trong nước và quốc tế, rút 9.000 người định cư và lực lượng quân sự Israel khỏi Gaza. Trong 38 năm kiểm soát Gaza (1967-2005), Israel đã xây dựng 21 khu định cư của người Do Thái, căng thẳng và bạo lực kéo dài trong nhiều năm.

Kể từ khi Israel rút quân khỏi Dải Gaza hồi tháng 8/2005, đã có nhiều đợt xung đột bùng phát giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine tại đây. Điển hình là vào ngày 27/12/2008, Israel phát động cuộc tấn công quân sự kéo dài 22 ngày ở Gaza sau khi phía Palestine bắn tên lửa vào thị trấn Sderot ở miền nam Israel, khiến khoảng 1.400 người Palestine và 13 người Israel được cho là đã thiệt mạng trước khi lệnh ngừng bắn được ký kết. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2014, vụ Hamas bắt cóc và sát hại 3 thiếu niên Israel đã dẫn đến cuộc đụng độ kéo dài 7 tuần, trong đó hơn 2.100 người Palestine được cho là đã thiệt mạng ở Gaza và 73 người Israel cũng chịu chung số phận, trong đó 67 người là quân nhân.

Tháng 3/2018, các cuộc biểu tình của người Palestine bùng phát tại khu vực hàng rào giữa Gaza với Israel. Quân đội Israel nổ súng để ngăn chặn người biểu tình. Hơn 170 người Palestine được cho là đã thiệt mạng trong nhiều tháng diễn ra đợt biểu tình này, đồng thời dẫn đến việc thúc đẩy giao tranh giữa lực lượng Hamas và phía Israel.

Tháng 5/2021, sau nhiều tuần căng thẳng trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, hàng trăm người Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Sau khi yêu cầu Israel rút lực lượng an ninh khỏi khu vực này, phía Hamas đã phóng một loạt tên lửa từ Gaza vào Israel. Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza. Giao tranh kéo dài 11 ngày, khiến ít nhất 250 người ở Gaza và 13 người ở Israel thiệt mạng.

Tháng 8/2022, ít nhất 44 người, trong đó có 15 trẻ em, đã thiệt mạng chỉ trong 3 ngày bùng phát bạo lực khi phía Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào một chỉ huy cấp cao của nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad của Palestine. Israel cho biết các cuộc tấn công là hoạt động phủ đầu chống lại một cuộc tấn công sắp xảy ra của nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad. Đáp lại, nhóm này đã bắn hơn 1.000 quả tên lửa về phía Israel...

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas trong 1 tháng qua tiếp tục khiến cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông càng trở nên xa vời./.

Minh Trà (tổng hợp)