Hà Nội (TTXVN 1/3/2024) Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) trước đây và Bộ đội biên phòng (BĐBP) ngày nay luôn nêu cao truyền thống mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu; bền bỉ, sắc bén trong đấu tranh; linh hoạt, sáng tạo trong công tác; gắn bó máu thịt với nhân dân. Qua đó góp phần quan trọng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với truyền thống đơn vị 2 lần được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
BĐBP tỉnh Điện Biên phối hợp lực lượng biên phòng của Lào trong bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

* Quản lý, bảo vệ biên giới trên phạm vi toàn quốc, đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia (1975-1986)

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai đoạn cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất nhưng bọn phản động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai kế hoạch “hậu chiến”; lôi kéo người Việt Nam vượt biên, vượt biển di cư ra nước ngoài; sử dụng tàn quân FULRO, tổ chức lực lượng phản động xâm nhập vào biên giới, móc nối xây dựng cơ sở ngầm hòng chống đối chính quyền, chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương…

Trước tình hình đó, toàn lực lượng CANDVT đã tập trung cao độ, khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm, vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, khẩn trương cùng các đơn vị của Quân đội, Công an và nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân FULRO, chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ thống chính trị cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía Nam.

Các chiến sĩ CANDVT đã trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1975-1978), biên giới phía Bắc (1979) và chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển đảo, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.

Đồng thời, thực hiện phương châm “đánh địch từ xa để bảo vệ biên giới”, với quan điểm “giúp bạn là tự mình giúp mình”, CANDVT đã giúp bạn Lào xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ trị an, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Bằng biện pháp nghiệp vụ, CANDVT phối hợp cùng bạn phát hiện đấu tranh chống phỉ và bọn phản động, góp phần giành lại độc lập, chủ quyền, củng cố hòa bình.

Đặc biệt, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Campuchia anh em, BĐBP triển khai 9 trung đoàn phối hợp với các đơn vị Quân đội và Công an, kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đấu tranh chống Khơme đỏ, đánh đổ chế độ diệt chủng ở Campuchia, giúp bạn bảo vệ chủ quyền biên giới trên các tuyến. Những tấm lòng đoàn kết, thủy chung, tình hữu nghị vô tư, trong sáng của người chiến sĩ biên phòng Việt Nam đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân nước bạn Lào và Campuchia, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

Ghi nhận những thành tích mà lực lượng CANDVT đã đạt được, ngày 20/12/1979, Chủ tịch nước ký Lệnh số 188/CT tuyên dương Danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho 25 tập thể và 18 cá nhân.

Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Pa Tần (Lai Châu) xuống các hộ dân để tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tăng cường tố giác tội phạm nhằm ổn định cuộc sống người dân vùng biên giới. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

* Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác biên phòng, xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, nhưng các thế lực thù địch thường xuyên ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bối cảnh này đã đặt ra cho công tác biên phòng những yêu cầu mới: Vừa phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nhân dân.

Trước tình hình đó, quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tích cực nghiên cứu, đổi mới toàn diện các biện pháp công tác biên phòng. Trong đó xác định biện pháp trinh sát là mũi nhọn, biện pháp vận động quần chúng là cơ bản, biện pháp tuần tra vũ trang, biện pháp kiểm soát hành chính, công trình kỹ thuật là quan trọng và nâng tầm công tác đối ngoại biên phòng thành một biện pháp công tác nghiệp vụ của BĐBP trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022). Đây là văn bản pháp lý quan trọng, thể chế đầy đủ quan điểm, tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tiếp đến là các chiến lược được ban hành, như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”... Việc luật hóa các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để BĐBP thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long, Bộ đội Biên phòng Lào Cai tuyên truyền biện pháp phòng dịch COVID-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Dương Giang – TTXVN

* Đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh

Ngay từ ngày đầu thành lập, trong những lần đến thăm và làm việc với CANDVT, Bác Hồ thường căn dặn, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải “tận tụy với dân”, “dựa vào dân”, vì “có dân là có tất cả”. Những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc ấy của Bác Hồ đã trở thành “kim chỉ nam” cho mọi hành động và dựng xây lên truyền thống quý báu “Đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân” của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CANDVT và BĐBP ngày nay trong suốt 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành.

Để huy động, tập hợp được sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, 65 năm qua, với phương châm sống “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”, các thế hệ CANDVT và BĐBP ngày nay luôn thực hiện 3 bám “bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương” và 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, bám trụ nơi tuyến đầu biên giới, biển đảo, đồng cam cộng khổ, đoàn kết, gắn bó máu thịt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi biên giới, biển đảo, bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng các chương trình, mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Hình ảnh "Thầy giáo quân hàm xanh", "Thầy thuốc quân hàm xanh" tận tình cứu người, gieo chữ trên vùng biên gian khó, hay những người lính lao vào mưa lũ để cứu người; những “kỹ sư nông nghiệp” cặm cụi bên bờ ruộng hướng dẫn bà con làm kinh tế đã in đậm trong lòng nhân dân các dân tộc khu vực biên giới, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ tận tình như con em ruột thịt, tạo nên sức mạnh to lớn, giúp BĐBP hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Mặc dù điều kiện công tác, sinh hoạt hết sức khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức; xây dựng ý chí quyết tâm, chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên biên giới, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung triển khai các chương trình, phong trào, mô hình với cách làm sáng tạo trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo địa bàn biên giới vững mạnh, như: "Thầy giáo quân hàm xanh", "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng"; "Thầy thuốc quân hàm xanh"; "Đảng viên Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản"; "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới"; "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản"; "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới"...

Đồng thời, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và chủ động báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” ngày 9/1/2015. Khi Chỉ thị 01 ra đời, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai vận động và tổ chức cho các tập thể, cá nhân ở khu vực biên giới ký kết tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới với quan điểm “ở đâu có ruộng nương, đồi rừng của dân, ở đó có lực lượng, có nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” và “mỗi người dân là một cột mốc sống nơi biên giới”.

Từ thực tiễn hoạt động của mình, năm 1989, BĐBP đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ra quyết định về tổ chức “Ngày Biên phòng”, đến năm 1994 là “Ngày Biên phòng toàn dân”. Thông qua hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, Quân đội và BĐBP; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khu vực biên giới phát triển, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh. .

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 lần được tuyên dương Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 Huân chương Sao vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân./.

Minh Hiếu (tổng hợp)

Nguồn: Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng

Bài 1 - Sự ra đời của Bộ đội biên phòng

Bài 2 - Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc