Hà Nội (TTXVN 31/3/2024) Ngày 1/4/1954 - ngày thứ 3 của Đợt tiến công thứ 2 (từ ngày 30/3 đến 30/4) vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu ở đồi A1 tiếp tục ở thế giằng co, quyết liệt.
Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

* Cuộc chiến đấu ở đồi A1 tiếp tục ở thế giằng co, quyết liệt

Đồi A1 là điểm cao quan trọng nhất trong năm ngọn đồi, cũng là điểm cao cuối cùng che chở cho phân khu trung tâm, nên cuộc chiến đấu diễn ra hết sức gay go.

Tại đồi A1, đêm 31/3, quân ta tấn công lần thứ 2, cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng 1/4, kết quả ta chiếm lại 2/3 vị trí; nhưng sau đó địch lại phản kích nhiều lần chiếm lại một phần trận địa đã mất. Đêm 1/4, ta tổ chức cuộc tấn công lần thứ 3, cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt.

Cụ thể, trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết:

- Về phía địch:

Ngay từ 5 giờ sáng ngày 1/4, hai xe tăng địch và quân tiếp viện xuất hiện. Lực lượng địch ở A1 lúc này gồm lính Marốc, lính dù lê dương sống sót sau đêm trước và những binh lính lê dương và binh lính Thái mới tới được tổ chức lại.

Quân địch từ hầm ngầm cùng với quân tăng viện dựa vào xe tăng bắt đầu xông lên phản kích, toan đánh bật quân ta ra khỏi điểm cao.

- Ta dùng badôca bắn cháy một chiếc xe tăng, bắn bị thương một chiếc khác, khiến nó phải chạy lùi. Cả pháo ta và pháo địch cùng tập trung bắn vào đối phương để yểm hộ cho mỗi bên. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Hầu hết ụ súng, các đường chiến hào đều bị đạn, bom nghiền nát.

Dự đoán trong ngày, địch sẽ phản kích lớn, Trung đoàn trưởng Hùng Sinh đề nghị với Đại đoàn cho vào đồn trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu. Trong ngày 1/4, ba đợt phản kích của địch đều bị Trung đoàn 102 đẩy lui. Hàng trăm quân địch bị loại khỏi vòng chiến.

Đêm 1/4, Tiểu đoàn 79, tiểu đoàn cuối cùng của Trung đoàn 102, đã có mặt trong đội hình trung đoàn. Trung đoàn tiếp tục tổ chức đợt tiến công thứ ba về phía hầm ngầm. Địch chống cự quyết liệt. Các mũi tiến công của ta đột kích rất mạnh vào khu hầm cố thủ, nhưng không sao tìm được cửa hầm.

Trước hỏa lực đại bác rất mạnh của địch, ta rút về tuyến phòng ngự.

Trong thời gian mở đợt tấn công thứ 2, quân ta vừa dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn dưới mặt đất, vừa bắn máy bay, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Trận địa ta ngày càng tiến sát gần địch

Trong đợt tấn công thứ 2, ta chủ trương tiếp tục củng cố và phát triển vào gần địch hơn nữa trận địa tấn công và bao vây, cải tạo địa hình; đánh chiếm một số vị trí quan trọng nhằm từng bước thắt chặt vòng vây hơn nữa; đánh chiếm sân bay đạt đến mục đích triệt hẳn tiếp tế và tiếp viện của địch, uy hiếp mạnh hơn nữa tung thâm của địch.

Thực hiện chủ trương này, trận địa ta ngày càng tiến sát gần địch, có nơi chỉ cách địch 10-15m. Các ngọn đồi đã chiếm được ở phía Đông, nhất là đồi D1 đã được biến thành cứ điểm phòng ngự mạnh của ta. Hỏa lực các cỡ của ta luôn uy hiếp quân địch. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tiếp không kể ngày đêm.

Quân ta lợi dụng các hào chiến đấu đã đào sát đến vị trí của địch, áp dụng chiến thuật đánh lấn dần.  

Đêm 1/4/1954, cứ điểm 106 bảo vệ sân bay về phía Tây bị quân ta đột nhập bất thần, địch không kịp trở tay, bị ta tiêu diệt gọn./.

Phương Phương (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.123, 125

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.1029, 1030, 1031