Đồng bào S’tiêng tham gia dệt thổ cẩm tại lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ngày 15/5/2024). Ảnh: TTXVN phát

Nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của người S’tiêng là nghề thủ công truyền thống được tích lũy, phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua bàn tay khéo léo và sáng tạo của người nghệ nhân S’tiêng.

Để tạo ra các sản phẩm gùi và thổ cẩm, người nghệ nhân phải nhận diện và khai thác đúng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây rừng để phối tạo ra chất liệu nhuộm màu, cũng như kỹ thuật tạo hình hoa văn.

Gùi của người S’tiêng được đan từ cây lồ ô, trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, quan trọng nhất là chọn cây lồ ô: cây thẳng, lóng dài, không được non và không được già quá. Khi đã chọn được cây lồ ô vừa ý, thì dùng dao cạo lớp vỏ bên ngoài, chẻ mỏng theo kích cỡ mong muốn, rồi vót trơn bề mặt mỗi nan và tẩm màu cho nan nhằm tạo hoa văn theo ý muốn rồi đan gùi...

Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng do phụ nữ làm. Để làm được một tấm thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn phức tạp, trong đó, dệt là công đoạn quan trọng nhất. Khi dệt tấm thổ cẩm, khung được cột chắc vào thân người dệt, lúc này chân - lưng - tay thợ dệt phối hợp nhịp nhàng và trên tấm vải thổ cẩm của người S’tiêng rất xem trọng những hoa văn trang trí, như: hình người, chim, thú, hoa lá...