Lãnh đạo UBND huyện Đầm Dơi và UBND huyện Ngọc Hiển, đại diện các huyện, thành phố trong tỉnh, nhận Bằng chứng nhận đưa Nghề làm tôm khô vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, tối 11/12/2023. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Nghề làm tôm khô thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian đã tồn tại hàng trăm năm ở Cà Mau, gắn liền với lịch sử khai phá và định cư trên vùng đất mới.

Con tôm là sản vật quen thuộc nhất, phổ biến nhất mà người dân khai thác để phục vụ mục đích sinh tồn. Khi trữ lượng con tôm quá dồi dào làm nảy sinh nhu cầu dự trữ, từ đó đã hình thành nghề làm tôm khô, một nghề đặc trưng nhưng phổ biến trong các cộng đồng dân cư ở Cà Mau.

Nghề làm tôm khô cũng phản ánh đậm nét công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gắn bó với các phong tục, tập quán trong đời sống hàng ngày. Về vật chất, nó là một sinh kế quan trọng, mang lại sự ấm no, phồn thịnh. Về tinh thần nó là nghệ thuật ẩm thực, tri thức dân gian được tích lũy trong từng món ăn; được thể hiện trong ca dao, tục ngữ, dân ca, các tác phẩm văn học văn học nghệ thuật được lưu truyền, tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này.

Phơi tôm khô nguyên vỏ tại HTX Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh: An Hiếu/TTXVN