Phụ nữ Mông cần cù tạo hoa văn trên vải

Hoa văn trên váy áo và các mặt hàng thổ cẩm của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được tạo ra bằng việc thêu, dệt, ghép vải, nhưng độc đáo nhất là nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải - một nghề thủ công truyền thống gắn bó bao đời với bà con người Mông ở vùng cao Yên Bái.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Trong đó, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông nơi đây mà khó ở đâu có được. 

Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  ban hành Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian./.