Các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Nghệ thuật làm gốm độc đáo của đồng bào Chăm tại làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ XII. Đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất gốm thô sơ từ ngàn xưa.

Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 đến 8 giờ… Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng.

Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, gốm truyền thống của người Chăm vẫn giữ được hồn cốt tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm, tạo nên giá trị độc đáo. Không chỉ là nguồn thu nhập của gia đình, nghề làm gốm còn giúp bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực bảo vệ, song nghề gốm của người Chăm đang đứng trước nguy cơ mai một.

Ngày 29/11/2022, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.