PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người tạo ra cuộc "cách mạng” trong trưng bày bảo tàng ở Việt Nam. Ảnh: Việt Cường

Suốt một thời gian dài, các bảo tàng ở Việt Nam chỉ là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật “tĩnh”, như một phòng truyền thống với các hiện vật khô cứng và không thu hút khách.

 Không chấp nhận đi theo lối mòn đã tồn tại nhiều năm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã tự mình tìm một hướng đi mới, cách tiếp cận mới, tạo nên một cuộc "cách mạng” trong trưng bày bảo tàng ở Việt Nam.

Năm 1995, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do ông phụ trách, chính thức mở cửa đón khách. Khi đó, lần đầu tiên, công chúng Việt Nam được tham quan một bảo tàng lại được nghe người dân trực tiếp chia sẻ tiếng nói, chia sẻ văn hóa của mình với khách tham quan, thông qua những clip dựng bằng lời, qua các buổi biểu diễn và chia sẻ của các chủ thể văn hóa với công chúng… Đó cũng là lần đầu tiên, bảo tàng có khu trưng bày ngoài trời, là những ngôi nhà của nhiều dân tộc ở khắp các miền của đất nước và lần đầu tiên người dân được tự đưa ra ý tưởng, tự tay lựa chọn những hình ảnh, hiện vật của dân tộc mình để trưng bày, giới thiệu cho du khách, lần đầu tiên trong bảo tàng có phòng trải nghiệm cho trẻ em, có bảo tàng bỏ túi bằng công nghệ 3D…

Sự ra đời của Bảo tàng Dân tộc học với vô số những cái “đầu tiên” ấy đã khiến cho giới làm bảo tàng ở Việt Nam phải thay đổi quan niệm, phải nhìn nhận lại cách làm bảo tàng của mình trong nhiều năm, tạo nên “Cuộc cách mạng” trong trưng bày, đưa các bảo tàng Việt Nam chuyển từ “tĩnh” sang “động”.