Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được thành lập tháng 12/1999, tại Đức, bao gồm: các nước G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada) và các nền kinh tế lớn, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU). Trong đó, Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên chính thức của G20 kể từ năm 2024.

Quy mô của G20 chiếm 67% dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 75% thương mại quốc tế.

G20 hoạt động không có Ban Thư ký hay nhân viên thường trực. Thay vào đó, Chủ tịch G20 thay đổi luân phiên hàng năm giữa các thành viên và được lựa chọn từ các nhóm quốc gia khác nhau trong khu vực. Trong mỗi nhóm, các quốc gia thành viên có cơ hội ngang nhau để đảm nhận chức vụ Chủ tịch trong nhiệm kỳ được phân bổ của nhóm mình.

Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 21/2/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Từ năm 2008 đến nay, G20 đã tổ chức 18 Hội nghị thượng đỉnh, không kể các Hội nghị thượng đỉnh bất thường, để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế thế giới, đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới-sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh…

Bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh, nước chủ nhà trong Năm Chủ tịch G20 cũng tổ chức nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao (Sherpa) và nhóm công tác trong các lĩnh vực ngoại giao, nông nghiệp, y tế, lao động-việc làm, năng lượng-môi trường, tài chính-ngân hàng, du lịch, thương mại, kinh tế số…

Nước Chủ tịch G20 có vai trò quan trọng, quyết định danh sách khách mời. Qua các Hội nghị G20 gần đây, nước Chủ tịch thường quyết định danh sách khách mời dựa trên các ưu tiên như: các nước láng giềng, đối tác chiến lược hoặc các nước có mối quan hệ đặc biệt. Một số đại diện/quốc gia là khách mời thường xuyên như Tây Ban Nha, Chủ tịch các tổ chức: 3G - Singapore (Nhóm quản trị toàn cầu); ASEAN; APEC (không thường xuyên); NEPAD (Đối tác mới vì sự phát triển châu Phi).