Hà Nội (TTXVN 3/2/2020) Trong suốt 90 năm qua, Mùa Xuân-Đất nước-Dân tộc và Đảng ta luôn hòa quyện với nhau làm một, cùng làm nên những kỳ tích, viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại, làm thay đổi cuộc đời mỗi con người và vận mệnh cả một dân tộc.

Từ khi có Đảng, dân tộc Việt Nam chính thức bước sang trang mới huy hoàng. Đất nước ta, từ một dân tộc thuộc địa, nô lệ trở thành một quốc gia độc lập, được ví như lá cờ đầu trong phong trào chống lại chủ nghĩa thực dân cũ và mới; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, có nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cùng điểm lại những trang sử hào hùng của đất nước từ khi có Đảng.

 - Chấm dứt khủng khoảng đường lối cách mạng
90 năm trước, nhân dân ta sống cùng cực, tủi nhục kiếp người nô lệ của một xứ thuộc địa nửa phong kiến. Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược ngày 1-9-1858, từng bước đặt ách thống trị và biến nước ta thành thuộc địa của Pháp. Số phận cả dân tộc bị dìm trong đêm trường đói khổ, lạc hậu cùng cực.

Cho đến đầu thế kỷ 20, các phong trào đấu tranh vũ trang chống xâm lược do các sĩ phu lãnh đạo đã thất bại. Thực dân Pháp đã đặt xong ách cai trị ở Việt Nam, bắt đầu tiến hành khai thác thuộc địa và tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Những trào lưu cứu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản cũng đã tỏ ra bế tắc trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến.

Ngày 6-5-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba, rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Qua nhiều năm tháng bôn ba, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ cách mạng giàu kinh nghiệm thực tiễn trong phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20. Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm được con đường cách mạng giải phóng cho dân tộc.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để lập ra một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt. Được xây dựng bằng thế giới quan khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng vượt thời đại của Nguyễn Ái Quốc, Chánh cương vắn tắt của Đảng đã phân tích thực trạng và mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam, một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam, trong đó có công nhân, nông dân với đế quốc ngày càng gay gắt cần phải giải quyết. Từ đó, đưa ra đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Sự kiện thành lập Đảng đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm. Từ đây cách mạng Việt Nam chuyển sang một trang mới.

- Làm nên kỳ tích vĩ đại - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - mở ra thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh
Với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, làm sống dậy khát vọng giải phóng dân tộc trong nhân dân Việt Nam. Chỉ 15 năm đi theo đường lối cách mạng của Đảng, dân tộc ta đã làm nên kỳ tích vĩ đại - Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân-phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Với thắng lợi vĩ đại ấy: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc”.

 Khẳng định ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đất nước ta bước vào thời đại mới, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

Cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ngày 6-1-1946 đã bầu ra Quốc hội và Chính phủ hợp hiến, hợp lòng dân. Ngay tại kỳ họp thứ hai (tháng 11-1946), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trang trọng khẳng định quyền độc lập của dân tộc, quyền tự do dân chủ của nhân dân.

- Làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta lại đối mặt với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Trước những khó khăn chồng chất “nghìn cân treo sợi tóc”, Đảng ta một lần nữa tỏ rõ bản lĩnh của một Đảng Mác-xít chân chính, chủ động đối phó với từng loại đối tượng, từng kẻ thù trong nước, ngoài nước với phương châm: “Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết”; không thỏa hiệp để làm mất độc lập, chủ quyền đất nước nhưng sẵn sàng hòa hoãn, nhân nhượng về sách lược để dành thời gian xây dựng thực lực mọi mặt, chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Đảng đã sáng suốt định ra đường lối “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính”.

Theo chiến lược này, Đảng đã tổ chức toàn dân, tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được, đưa vào các đoàn thể kháng chiến, xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu và lực lượng vũ trang vững mạnh bao gồm 3 thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; xây dựng hệ thống lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo kháng chiến và kiến quốc toàn quốc thống nhất, tập trung, đồng thời phát huy được tính chủ động và sáng kiến của địa phương, biến cả nước thành dinh lũy kháng chiến và công trường kiến quốc.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, ngày 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến-Quyết thắng" tung bay trên hầm tướng De Castries. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam. Đồng thời là một sự kiện quan trọng báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve được ký ngày 20-7-1954 là hai sự kiện kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, góp sức cùng nhân loại làm cho thế kỷ 20 trở thành Thế kỷ giải trừ chủ nghĩa thực dân.

- Thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội
Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, dân tộc ta lại bước vào cuộc chiến đấu chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Trước một đội quân xâm lược nhà nghề chưa từng thất bại, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với những quyết sách chiến lược vô cùng sáng tạo, một lần nữa truyền đến nhân dân và toàn dân tộc niềm tin chiến thắng của chính nghĩa trước thế lực bạo tàn. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và chiến thắng hết sức vẻ vang.

Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân đội và nhân dân Việt Nam đã kết thúc cuộc trường chinh hơn một thế kỷ chống chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng 30-4-1975 là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, là Ngày hội thống nhất non sông.

Văn kiện Đại hội IV của Đảng năm 1976 khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đội tiên phong dày dạn của giai cấp công nhân Việt Nam, người đại biểu trung thành và đầy đủ những lợi ích sống còn, những nguyện vọng sâu xa và chính đáng của nhân dân Việt Nam, của cả dân tộc  Việt Nam, người kết hợp nhuần nhuyễn và thành công khoa học cách mạng của giai cấp công nhân là chủ nghĩa Mác-Lênin với nghị lực chiến đấu phi thường và sức sáng tạo vô tận của nhân dân ta, với những tinh hoa trong truyền thống mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

* Lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước
Sau tháng 4-1975, cả dân tộc bước vào giai đoạn lịch sử mới với niềm phấn khởi, tự tin về sự toàn thắng của cách mạng Việt Nam.

Nhưng từ năm 1979, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội. Nguyên nhân khách quan là do hậu quả nặng nề của 30 năm kháng chiến để đi đến thống nhất đất nước, tiếp đó là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; là sự bao vây, cấm vận của Mỹ, sự phá hoại của các thế lực thù địch. Về chủ quan là Đảng đã duy trì quá lâu cơ chế quản lý không phù hợp, chậm đổi mới, có nhiều khuyết điểm trong chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và tổ chức thực hiện.

Đứng trước sự sống còn của Tổ quốc và nhân dân, Đảng ta một lần nữa khẳng định trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Đảng đã từng bước đổi mới nhận thức về tư duy lý luận, chú trọng khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn từ cơ sở và địa phương thực hiện các chính sách đổi mới từng phần để đi đến quyết định đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI của Đảng (1986).

Qua gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa là tăng trưởng, phát triển kinh tế. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội (1996) sau gần 20 năm khủng hoảng. Tiếp đó đã vượt qua ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế khu vực (1997-2000) và khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển và đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình từ năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.587 USD, năm 2018. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa-xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Những thành tựu to lớn trên tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển trong những năm tới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử để chúng ta vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

90 năm dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Đất nước ta từ lầm than, nô lệ, đã vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, lớn mạnh không ngừng, sánh vai với năm châu./.

Phương Anh (tổng hợp)