Hà Nội (TTXVN (3/4/2023) Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập vào tháng 12/2023, Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah El-Sisi chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2/4/2024 tại Hạ viện Ai Cập. Việc ông El-Sisi tiếp tục đảm nhiệm nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 liên tiếp cho thấy uy tín của ông trên cương vị này. Tuy nhiên, con đường phía trước được dự báo còn nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế Ai Cập còn nhiều khó khăn và những diễn biến địa chính trị trong khu vực Bắc Phi-Trung Đông vẫn tiềm ẩn yếu tố bất ổn.

 

* Nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 liên tiếp của ông El-Sisi

Cơ quan Bầu cử quốc gia Ai Cập (NEA) công bố kết quả bầu cử Tổng thống nước này trong cuộc họp báo tại Cairo, ngày 18/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 10 đến 12/12/2023, gần 44,7 triệu cử tri trong khoảng 67 triệu cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Kết quả được Cơ quan Bầu cử Quốc gia Ai Cập (NEA) công bố cho thấy, đương kim Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 khi giành được 39,7 triệu phiếu bầu (tương đương 89,6%) số phiếu ủng hộ. Đây là kết quả không bất ngờ, vì uy tín và những thành tựu đạt được trong 2 nhiệm kỳ qua đã giúp Tổng thống El-Sisi nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri Ai Cập.

Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2014 đến nay, Tổng thống El-Sisi đã đưa Ai Cập trở lại con đường ổn định sau 2 cuộc chính biến lật đổ 2 đời tổng thống vào các năm 2011 và 2013. Từng là nạn nhân của làn sóng "Mùa Xuân Arab" năm 2011, Ai Cập đã vượt qua giai đoạn bất ổn nghiêm trọng và làn sóng tấn công khủng bố trong giai đoạn 2016-2018.

Dưới sự chèo lái của Tổng thống El-Sisi, tình hình an ninh-chính trị nội bộ cũng như đời sống xã hội của Ai Cập được giữ vững, dù khu vực Trung Đông-Bắc Phi vẫn đang chứng kiến xung đột và bất ổn ở nhiều nước. Nhờ việc đẩy mạnh "Chiến dịch Sinai 2018" truy quét các phần tử khủng bố tại Bán đảo Sinai, nhất là các phần tử thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo, tình hình an ninh tại vùng này cũng như tất cả các tỉnh trên cả nước được đảm bảo.

Về đối ngoại, Ai Cập kiên định với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, linh hoạt, thể hiện vai trò, ảnh hưởng và vị thế chủ chốt tại châu Phi và Trung Đông.  Nhờ đó, nền kinh tế Ai Cập đã được cải thiện nhiều cả về quy mô và cơ cấu. Dưới thời cầm quyền của Tổng thống El-Sisi, nền kinh tế Ai Cập đã có diện mạo mới, với nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Cơ sở hạ tầng giao thông, các thành phố mới như New Cairo, các hạ tầng kinh tế như Khu kinh tế Kênh đào Suez, Kênh đào Suez ngày càng được mở rộng và phát triển. Đến nay, Khu kinh tế Kênh đào Suez đã thu nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ USD, trong khi doanh thu hằng năm của Kênh đào Suez tăng mạnh từ khoảng 6,3 tỷ USD vào năm 2021 lên hơn 8 tỷ USD năm 2023. Quốc gia Bắc Phi này đã và đang chú trọng thúc đẩy một loạt dự án kinh tế trọng điểm thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, dầu khí, hàng hải, năng lượng xanh và các ngành khác nhằm mang lại sự bùng nổ kinh tế. Kể từ năm 2019, Ai Cập đã triển khai Sáng kiến "Cuộc sống Sung túc" - dự án phát triển lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ USD nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân ở khu vực nông thôn. Đối tượng thụ hưởng là 4.500 ngôi làng trên cả nước, chiếm khoảng 58% dân số Ai Cập.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kinh tế Ai Cập đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ai Cập đang cố gắng thực hiện các cải cách cơ cấu và tài khóa để đáp ứng những điều kiện giải ngân hỗ trợ tín dụng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), song động thái này cùng với việc tăng giá điện, nhiên liệu và cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội đã làm cho đời sống của người dân, nhất là tầng lớp người nghèo, trở nên khó khăn hơn. Giá cả hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác không ngừng tăng mạnh.

Tình trạng bất ổn trong khu vực, nhất là các cuộc xung đột ở Libya, Gaza và Sudan, đang tạo ra những thách thức an ninh rất nghiêm trọng đối với Ai Cập. Xung đột ở Gaza dẫn đến làn sóng người tị nạn phức tạp, giữa lúc Ai Cập đang phải cưu mang hơn 9 triệu người tị nạn và di cư từ nhiều nước…

* Những nhiệm vụ phía trước

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi (giữa) phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 3 tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô hành chính mới, ngày 2/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà phân tích nhận định trong nhiệm kỳ 6 năm tới, Tổng thống El-Sisi sẽ phải điều hành đất nước trong bối cảnh Ai Cập đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, bao gồm tỷ lệ lạm phát cao và tình trạng thiếu hụt đồng USD, cũng như tác động tiêu cực do các cuộc xung đột, bất ổn tại khu vực Trung Đông-châu Phi, đặc biệt là cuộc xung đột Israel-Hamas.

Trong đó, cuộc xung đột Israel-Hamas chưa có hồi kết không chỉ khiến lực lượng hai bên chịu thiệt hại mà còn ảnh hưởng lớn đến các nước láng giềng. Xung đột ở Gaza có thể dẫn đến một làn sóng khổng lồ người tị nạn đổ về bán đảo Sinai của Ai Cập. Sự leo thang các cuộc giao tranh đe dọa hủy hoại an ninh và hòa bình của toàn khu vực, và chắc chắn môi trường đầu tư cũng như các chính sách phát triển đất nước của Ai Cập sẽ bị ảnh hưởng.

Nguy cơ quá tải dân số là một vấn đề khác của quốc gia Bắc Phi này. Người đứng đầu Hội đồng dân số quốc gia Ai Cập (NPC) Tarek Tawfik từng cảnh báo, dân số Ai Cập ước tính sẽ đạt từ 142 đến 157 triệu người vào năm 2050, tạo những áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, nhà ở.

Do đó trong thời gian tới, Tổng thống El-Sisi sẽ phải thực hiện các chính sách và giải pháp hiệu quả, kịp thời để đưa Ai Cập thoát khỏi khó khăn hiện nay. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống tháng 12/2023 vừa qua, Tổng thống El-Sisi cam kết sẽ hoàn thành Tầm nhìn phát triển năm 2030 của Ai Cập, trong đó tập trung vào các cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, bao gồm sửa đổi luật liên quan các quyền chính trị và hoạt động của các đảng phái chính trị. Tầm nhìn 2030 của Ai Cập cũng sẽ chú trọng cải cách hệ thống tư pháp và giải quyết vấn nạn tham nhũng. Ông El-Sisi cam kết sẽ giải quyết bài toán lạm phát cao hiện nay, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, tăng gấp đôi diện tích đất nông nghiệp, hỗ trợ khu vực tư nhân và thúc đẩy các ngành năng lượng.

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng thiếu ngoại hối, ông El-Sisi đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu và tăng gấp đôi diện tích đất trồng lúa mì để giảm nhập khẩu ngũ cốc, qua đó giảm bớt áp lực ngoại hối. Bên cạnh đó, việc trao quyền lớn hơn nữa cho phụ nữ, cải tiến hệ thống giáo dục, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và cải thiện chất lượng dịch vụ công cũng là những nhiệm vụ trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống El-Sisi.

Theo giới chuyên gia, trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, chính phủ Ai Cập cần chú trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, tạo việc làm, có các cơ chế khuyến khích xuất khẩu, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, Tổng thống El-Sisi cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố nhằm giữ vững an ninh quốc gia, cũng như tiếp tục khẳng định vai trò và ảnh hưởng của Ai Cập như một trụ cột an ninh trong khu vực.

Thực tế từ đầu năm 2024 đến nay, Ai Cập đã có nhiều thành tựu chính trị, ngoại giao quan trọng khi gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và nâng cấp quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, nền kinh tế Ai Cập cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi nhận được các khoản đầu tư, khoản vay lớn như: khoản đầu tư trị giá 35 tỷ USD từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để phát triển thành phố Ras El-Hekma bên bờ Địa Trung Hải; khoản vay 8 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); khoản vay ưu đãi, đầu tư và viện trợ 7,4 tỷ EURO từ EU và khoản vay 6 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB)./.

Trọng Đức (tổng hợp)