Hà Nội (TTXVN 19/11/2020)

Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, dù xã hội có phát triển và đổi thay, thì truyền thống "tôn sư trọng đạo" vẫn là một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam. Và ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân nhằm tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý. 

* “Mười năm đèn sách luyện rèn, công danh gặp bước chớ quên người thầy”
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” đã trở thành truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam.  Truyền thống này đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa cho đến nay, để các thế hệ sau duy trì và tiếp nối. Mỗi khi công thành danh toại người ta thường  nhắc nhau rằng: “Mười năm đèn sách luyện rèn, công danh gặp bước chớ quên người thầy”.
Trong xã hội xưa, người thầy là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có tài để đứng ra giúp nước.
Ngày nay, dù xã hội đã phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng người thầy vẫn luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Bởi xã hội có phát triển như thế nào thì người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp. Hình ảnh người thầy trên bục giảng, với bảng đen, phấn trắng, đã truyền lửa cho học trò, khơi lên trong các em những ước mơ, hoài bão để thổi bùng thành những khát vọng cao đẹp trong tương lai. 
Người thầy thông qua việc “dạy chữ” để “dạy người”, giáo dục nhân cách học sinh bằng chính nhân cách của mình. Điều đó cho thấy, dù ở đâu và thuộc thời nào, người thầy cũng luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội.

* Xứng đáng là những “người đưa đò” vẻ vang
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của ngành giáo dục. Ngành giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc xây 
Một trong những thành tích nổi bật mà ngành giáo dục đã đạt được là chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Kết quả các cuộc thi quốc tế ngày càng cao. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Lần đầu tiên nước ta có 4 trường đại học lọt vào top 1.000 thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong top 500 thế giới, trong khi trước năm 2015 chưa có cơ sở giáo dục đại học nào của Việt Nam được xếp hạng thế giới, chỉ có 2 trường vào top 300 châu Á.
Đặc biệt, năm học vừa qua, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, ngành giáo dục đã chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, “đứt gãy”; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Tại cuộc gặp mặt 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trong toàn ngành giáo dục, ngày 15/11/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: có được kết quả nêu trên là do sự cố gắng của toàn ngành, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy và học của các thế hệ thầy và trò trong cả nước. Trong đó, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục là những tấm gương về chuẩn mực đạo đức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, sự tận tụy, tâm huyết với nghề; thậm chí, có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em... ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo.

* Kinh tế dựa vào tri thức 
Với mong muốn ngành giáo dục tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm coi trọng, tạo điều kiện để ngành giáo dục phát triển, phát huy vai trò quan trọng là nhân tố chìa khóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Theo dự báo của các chuyên gia, những đột phá về công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành nghề lao động, những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học cũng như sự thay đổi căn bản về mô hình đào tạo, phương thức dạy và học.  Ngoài ra, việc tự do chuyển dịch lao động xuyên quốc gia sẽ tạo ra sự cạnh tranh về nguồn cung nhân lực chất lượng cao. Đó là những thách thức khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Năm 2020, Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/74 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như: Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Điều đó cho thấy Việt Nam đang đi đúng trong việc hướng tới một nền kinh tế tri thức.
Tuy có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nhưng trên bình diện chung, đội ngũ nhân lực giáo dục Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Việt Nam đang thiếu hụt các nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao, đội ngũ quản lý, nhà kinh doanh giỏi, công nhân lành nghề trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chất lượng của lực lượng lao động nước ta vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Trước những đòi hỏi đó, vai trò của thầy, cô giáo càng có thêm ý nghĩa. Sứ mệnh, nhiệm vụ của những nhà giáo hơn lúc nào hết lại nặng nề thêm và người thầy hơn ai hết hiểu rõ mình cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, không ngừng hoàn thiện kiến thức, kỹ năng sư phạm để thích ứng với tình hình mới, nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp giáo dục-đào tạo nói riêng./.

Hoàng Yến (tổng hợp)