Hà Nội (TTXVN 5/7/2024) Thủ đô Hà Nội là một trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới và đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” năm 1999 - sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng. 25 năm kể từ ngày đón nhận danh hiệu, Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực, toàn diện so với trước, trở thành một điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
  • Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO trao danh hiệu "Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long" là Di sản Văn hoá Thế giới, tại Lễ khai mạc chuỗi hoạt động của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 1/10/2010. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

  • Hà Nội là nơi mà nhiều nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới thoải mái trải nghiệm không khí yên bình. Trong ảnh: Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam, tối 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến dùng bữa tối tại quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người dân Thủ đô. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

  • Đoàn xe đưa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un di chuyển qua Quảng trường Cách mạng Tháng Tám để đến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, ngày 28/2/2019. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

  • Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree đến thăm làng nghề truyền thống mây tre đan tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (7/5/2019). Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

  • Trong chuyến thăm Việt Nam, sáng 2/11/2023, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đến một quán trên phố Điện Biên Phủ (Hà Nội), thưởng thức trà và nói chuyện với những người bạn Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

  • Chính trị, an ninh ổn định, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần được nâng cao, khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, du khách quốc tế chọn Hà Nội là điểm đến. Trong ảnh: Hà Nội đã thu hút một lượng lớn người dân, du khách đến thăm quan và lưu trú trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

  • Khi nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

  • Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã và đang tích cực đổi mới, đẩy mạnh các sản phẩm du lịch sử dụng công nghệ, chuyển đổi số mang lại trải nghiệm mới cho du khách, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác, đưa di tích thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh. Ảnh: TTXVN

  • Xin chữ đầu năm mới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cầu mong năm mới đạt được nhiều thành tích tốt trong học, một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam nói chung và của người Hà Nội nói riêng. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

  • Khách quốc tế tham gia các hoạt động văn hoá tại phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

  • Tiết mục múa rồng của huyện Thanh Oai, Hà Nội tại Carnaval Festival Thu Hà Nội 2023. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

  • Cùng với mục tiêu của Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội đang nỗ lực trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường, vừa giúp giảm khói bụi, tiếng ồn, vừa nâng cao mỹ quan đô thị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

  • Trong những năm qua, giao thông Hà Nội đang có bước chuyển biến tích cực, ngày càng nhiều tuyến đường, nút giao thông hiện đại, đa năng có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Giao thông đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội giúp Thủ đô ngày càng phát triển và to đẹp hơn. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

  • Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước trở thành phương tiện đi lại hằng ngày của đông đảo người dân Thủ đô. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

  • Lĩnh vực kết cấu hạ tầng được Hà Nội ưu tiên đầu tư phát triển, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân - Cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng được coi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

  • Các tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã hoạt động ổn định. Xe buýt điện chạy bằng 100% năng lượng điện, hoàn toàn không phát thải, không có mùi gây say xe và không gây ô nhiễm tiếng ồn đô thị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

  • Sau 25 năm, Thủ đô đã có nhiều thay đổi, to đẹp hơn, khang trang hơn. Trong ảnh: Quận Hà Đông trên đường trở thành đô thị phát triển toàn diện của thành phố Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

  • Ngành Giáo dục và Đào tạo của Thủ đô là một trong những đơn vị tiên phong, tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xu thế “số hoá” hiện nay. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

  • Trường THCS Chu Văn An, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì - trường đạt chuẩn Quốc gia, được đầu tư xây dựng theo tiêu chí Nông thôn mới. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

  • 25 năm kể từ ngày đón nhận danh hiệu, y tế Hà Nội có bước phát triển vững chắc, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Trong ảnh: Phòng chiếu đèn cho trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý về da của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

  • Công tác quản lý, bảo vệ môi trường được Hà Nội chú trọng, đầu tư. Trong ảnh: Quy trình xử lý tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) để phát điện đều được tự động hoá. Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

  • Diện mạo nông thôn ở Hà Nội có sự thay đổi rõ rệt; khoảng cách đời sống giữa khu vực đô thị và nông thôn dần được thu hẹp. Trong ảnh: Diện mạo nông thôn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) ngày một đổi thay với cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, văn minh, khang trang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

  • Để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng thêu trên các sản phẩm, nhiều hộ trong làng nghề thêu Cổ Chất, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín (Hà Nội) đầu tư máy móc tăng sản lượng, giảm nhân công lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

  • Hà Nội hiện có 806 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động, trong đó 313 làng nghề đã được công nhận và 56 làng nghề có thương hiệu và nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

  • Sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở Phú Xuyên. Đây là nghề đem lại thu nhập và công việc ổn định cho lao động nông thôn Hà Nội. Ảnh Trọng Đạt/TTXVN

  • Quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cung cấp cho hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

  • Nông dân chuẩn bị mạ để cấy bằng máy ở khu vực thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

  • Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong ô tô, xe máy của Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

  • Niềm vui của hai cụ bà đi chợ sớm trên đường Quán Thánh trong những ngày tiết trời Thu dễ chịu của Hà Nội. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

  • Mùa Thu Hà Nội là lúc con phố Phan Đình Phùng đẹp rực rõ với những luồng ánh sáng huyền ảo xuyên qua những tán cây hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

  • Hồ Tây một chiều Thu. Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN

  • Vẻ đẹp cầu Long Biên khi Hà Nội vào thu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN