Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967, bao gồm 10 nước thành viên là: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia.

Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.

Các nước GCC cơ bản thực thi đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và triển khai các chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hai bên.

Quan hệ ASEAN-GCC bắt đầu từ năm 1990 khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng GCC, đã bày tỏ GCC mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Cùng năm 1990, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và GCC đã có cuộc gặp lần đầu tiên bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ). Hai Ban Thư ký ASEAN và GCC đã chính thức thiết lập quan hệ từ năm 2009.

Kể từ đó, hai bên duy trì tiếp xúc, gặp gỡ chủ yếu thông qua các Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC chính thức được tổ chức tại một nước thành viên của GCC hoặc ASEAN. 

Tháng 10/2023, ASEAN và GCC tiến hành họp Hội nghị cấp cao tại Riyadh (Saudi Arabia), đánh dấu lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao của ASEAN và GCC gặp nhau kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1990.