Ngày 13/6/2025, Brazil, quốc gia giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS trong năm 2025, tuyên bố Việt Nam chính thức trở thành “quốc gia đối tác” của BRICS - khối các nền kinh tế mới nổi đang thúc đẩy hợp tác toàn cầu và cải cách quản trị quốc tế. 

BRICS được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, nâng cấp lên thành Hội nghị cấp cao từ năm 2009. Mục tiêu ban đầu của nhóm là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn.

Trong những năm qua, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2010, BRIC kết nạp thêm Nam Phi; kết nạp thêm 4 thành viên là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 1/1/2024; kết nạp thêm Indonesia từ ngày 6/1/2025.

Như vậy, sau 3 lần mở rộng, BRICS đang bao gồm 10 nước thành viên (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE, Indonesia) và 10 nước đối tác (Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda, Uzbekistan, Nigeria, Việt Nam).

Quy chế "quốc gia đối tác" cho phép các đối tác tham gia thường xuyên vào các phiên họp đặc biệt, các cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao, cùng các sự kiện cấp cao khác của BRICS. Các đối tác cũng có thể đóng góp vào các tài liệu chính thức của nhóm.