Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII. Ảnh: TTXVN phát 

Quốc hội khóa XII được cử tri cả nước bầu ra ngày 20/5/2007 và hoạt động trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sau hơn 20 năm, gần nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cũng là 6 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 23/7/2007, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII, các đại biểu Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng, Huỳnh Ngọc Sơn và 13 đồng chí khác là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII.

Trong 4 năm, Quốc hội đã thông qua 67 luật, 13 nghị quyết; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 14 pháp lệnh và 9 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, đáng chú ý là phần lớn các văn bản được ban hành hoặc là sửa mới hoặc sửa một cách toàn diện.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; xem xét thông qua các Nghị quyết về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII; kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của Hội đồng nhân dân các cấp; điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; điều chỉnh địa giới hành chính giữa một số tỉnh; thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn nhằm nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án có quy mô lớn đầu tư tại Việt Nam và ra nước ngoài, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Quốc hội nước ta đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31); được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2010-2011; đảm nhận cương vị Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 đã đánh dấu sự trưởng thành mạnh mẽ của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực của nước ta.

- Ngày bầu cử: 20/5/2007

- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu:  99,64% (56.252.543 người)

- Tổng số đại biểu được bầu:  493

- Cơ cấu thành phần của Quốc hội:đại biểu tự ứng cử: 1 (0,2%); đại biểu chuyên trách: 138 (27,99%); ngoài Đảng: 43 (8,7%); dân tộc thiểu số: 87 (17,6%); phụ nữ: 127 (25,8%); tôn giáo: 4 (0,8%)