Mâm cúng Tết Đoan Ngọ là cách con cháu thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN

Tết Đoan Ngọ là một trong những lễ Tết lớn ở Việt Nam, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, hay còn gọi là ngày diệt sâu bọ từ lâu đã trở thành ngày Tết truyền thống của người Việt.

Người Việt có quan niệm này là bởi theo vòng tuần hoàn thời gian và thời tiết, ngày 5/5 Âm lịch ở nước ta rơi vào khoảng thời gian nắng nóng, sâu bọ phát triển nhiều. Với nghề làm lúa nước và trồng trọt cây ăn trái đã phát triển từ lâu, người xưa quan niệm diệt sâu bọ sẽ giúp mùa màng tốt tươi hơn. Bởi vậy, cái tên "Tết diệt sâu bọ" ra đời từ đó.

Bên cạnh ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng thì người Việt còn cho rằng đây là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa.

Ngày Tết Đoan Ngọ gắn liền với nhiều phong tục độc đáo như: Tục "Diệt sâu bọ" buổi sáng sớm, Cúng gia tiên và thần linh, Hái lá thuốc và tắm lá thơm, Khảo cây (Đánh cây)…

Vào ngày này, người dân thường chuẩn bị một mâm lễ dâng lên tổ tiên, thần linh với mong muốn đón nhận may mắn, cầu mong cho mùa màng bội thu.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường có vàng mã, hương, nước sạch; cơm rượu nếp, nếp cẩm, hoa, quả, bánh tro. Hoa quả thường chọn các loại quả chua như mận, xoài xanh, vải...