Kíp phẫu thuật của Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người sống, ngày 21/2/2017. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Ghép phổi được đánh giá là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng. Bởi phổi không giống các tạng khác, phổi là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Nó đòi hỏi các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, của người nhận rất chặt chẽ. Bởi điều này liên quan đến tim mạch, nhiễm khuẩn và rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả khi đã ghép được rồi, việc chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao.

Hiện Việt Nam đã thực hiện được cả hai kỹ thuật là ghép phổi từ người cho sống và ghép phổi từ người cho chết não. Trong đó, kỹ thuật lấy phổi, ghép phổi từ người cho chết não khó khăn hơn rất nhiều so với lấy tạng từ người sống. Với người cho tạng sống, bác sĩ có thời gian lựa chọn miễn dịch, nhiễm khuẩn còn với người cho chết não khó kiểm soát được những vấn đề đó. Vì vậy, với ca ghép từ người cho phổi đã chết não, bác sĩ sẽ bị động hơn, ca ghép có nhiều nguy cơ về nhiễm trùng hơn.

Tại Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ở giai đoạn cuối, người bệnh sẽ có chỉ định ghép phổi. Ngoài ra có một số bệnh cũng được chỉ định ghép phổi như bệnh nhân bị xơ phổi, xơ nang phổi giai đoạn cuối ... Việc thực hiện thành công các ca ghép phổi đã mang lại sự sống cho rất nhiều bệnh nhân chờ ghép.