Cách đây 75 năm ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trải qua chặng đường dài lịch sử xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng; đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực thi đua thể hiện lòng yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và từ phong trào thi đua yêu nước, những con người mới, những tấm gương tiêu biểu cho một xã hội mới được hình thành.

* Thi đua trên nền tảng tinh thần yêu nước
Phát động phong trào thi đua trên nền tảng tinh thần yêu nước là một tư tưởng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm động viên đến mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc cho sự nghiệp cách mạng. Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc hàng nghìn năm đã cho thấy đây là giá trị luôn được xếp đứng đầu trong hệ các giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam và luôn luôn đồng hành cùng dân tộc trong dựng nước và giữ nước.
Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam và yêu nước luôn gắn liền với bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước, dân tộc. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu nước không chỉ là tình cảm cao quý, thiêng liêng, mà còn phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, việc làm thiết thực, được thúc đẩy bởi những động cơ trong sáng, ý thức của mỗi người về bổn phận và trách nhiệm bản thân đối với đất nước, dân tộc, nhằm mang lại ích lợi cho đất nước, dân tộc. Những hành động đó mới chính là sự biểu đạt trung thực nhất, thuyết phục nhất cho tinh thần yêu nước. Bác đã chỉ rõ: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” (1).

* Lấy gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền, giáo dục
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc lấy tấm gương các anh hùng liệt sĩ, người tốt, việc tốt để tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo quần chúng nhân dân. Người cho rằng, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành nào, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Năm 1959, Người dùng Huy hiệu của mình để trao tặng cho người tốt, việc tốt, sử dụng báo chí để cổ vũ tấm gương người tốt, việc tốt. Mỗi khi đọc được thông tin người tốt, việc tốt trên Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam và các báo khác, Người thường ghi bằng một dòng mực đỏ bên cạnh “kiểm tra lại, thưởng huy hiệu” và gửi tặng nhân vật được biểu dương một Huy hiệu Bác Hồ.
Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ được hơn 2.000 bài báo, mẩu tin, bài về gương người tốt, việc tốt, được sưu tầm và cắt ra từ các loại báo. Đó là những gương người tốt, việc tốt thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những người được biểu dương và tặng Huy hiệu Bác Hồ có khi là nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ, em nhỏ nhặt được của rơi trả lại người bị mất, cháu nhỏ cứu bạn khỏi chết đuối, anh bộ đội qua đường giúp sản phụ sinh nở “mẹ tròn con vuông”, cụ ông, cụ bà nhận trâu gầy ốm của hợp tác xã chăm sóc thành trâu béo khỏe rồi chuyển lại cho hợp tác xã mà không tính công điểm... Người cho rằng, đó là một tấm gương sống có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền mà mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, noi theo và báo chí phải bám sát cuộc sống để phát hiện, cổ vũ và biểu dương.
Đến hôm nay, hàng nghìn những tấm gương đẹp những hành động đẹp đang lan tỏa thành một rừng hoa đẹp như lời Bác dạy.
Lấy gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau, học tập lẫn nhau, rèn giũa lẫn nhau, là một trong những phương pháp tốt nhất để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng con người mới, góp phần tôn vinh giá trị con người. Nêu gương người tốt, việc tốt sẽ tạo niềm tin cho con người, giúp con người biết tự mình vươn lên bằng chính sức mạnh nội lực, hướng tới cái tiến bộ, đẩy lùi cái lạc hậu, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, môi trường xã hội tốt đẹp cho hình thành và phát triển nhân cách con người.

* Thi đua yêu nước giúp đào tạo và nhân rộng con người mới
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang và nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người luôn có vị trí cao quý nhất, quan trọng nhất, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Người luôn chú trọng bồi dưỡng, giáo dục con người, làm cho mỗi người ngày càng được hoàn thiện hơn cả về phẩm chất đạo đức và năng lực cá nhân. Đó chính là những con người mới trực tiếp góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quân sự, đến văn hóa, khoa học, nghệ thuật… Đồng thời, những con người mới đó cũng chính là thành quả tốt đẹp nhất, quý giá nhất của sự nghiệp cách mạng.
Trong bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo con người mới, ngoài các trường lớp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân – Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt coi trọng việc giáo dục, đào tạo con người thông qua một loại trường học rất đặc biệt - trường học thực tiễn cuộc sống. Đây là trường học giúp người học ứng dụng, thực hành và hiểu sâu hơn những điều đã học ở trường lớp, theo triết lý giáo dục rất khoa học, tiên tiến: học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Đồng thời, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực tiễn cuộc sống cũng là trường học suốt cả cuộc đời mỗi người, phù hợp với phương châm, phương pháp tự học, học suốt đời của Người.
Và phong trào thi đua yêu nước chính là một trường học thực tiễn cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người” (2). Thông qua việc phát động và tổ chức phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ những người Việt Nam yêu nước thuộc mọi giai tầng, lứa tuổi tham gia vào trường đào tạo của thực tiễn cuộc sống.
Từ phong trào thi đua yêu nước của toàn dân, những con người mới, những tấm gương tiêu biểu cho một xã hội mới được hình thành.
Trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến đó là những thanh niên "ba sẵn sàng", những phụ nữ “ba đảm đang”, những người nông dân “chắc tay súng vững tay cày”, những công nhân “chắc tay súng vững tay búa”, những người dân bình thường hy sinh lợi ích riêng vì sự nghiệp chung với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Những anh hùng và chiến sĩ thi đua tiêu biểu trong lao động sản xuất và chiến đấu được tuyên dương và tôn vinh như: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Viết Xuân... là những điển hình cho những con người mới được đào tạo, hình thành trong phong trào thi đua yêu nước, đồng thời cũng là những tấm gương tiêu biểu để các thế hệ tiếp nối học tập, nhân rộng những con người mới. Đó chính là những điển hình tiêu biểu cho nguồn lực con người Việt Nam trong kháng chiến kiến quốc, nguồn động lực quan trọng nhất, quyết định nhất của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Đó cũng chính là nguyên nhân quan trọng góp phần lý giải vì sao lực lượng kháng chiến lúc đầu nhỏ bé hơn rất nhiều so với quân đội thực dân, đế quốc thiện chiến, nhà nghề, nhưng càng đánh càng mạnh, càng đánh càng phát triển và cuối cùng đã giành được thắng lợi vẻ vang.
Bằng những người thật, việc thật trải dài khắp đất nước, gương người tốt việc tốt hôm nay đã và đang bồi đắp cho mọi người niềm tin yêu cuộc đời, làm cho bức tranh kinh tế-xã hội đất nước ngày thêm nhiều gam màu sáng.
          Chúng ta không thể quên được hình ảnh những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, hình ảnh những chiến sĩ công an, quân đội dầm mình trong mưa, lũ, không quản khó khăn, gian khổ, có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất; sẵn sàng nhường chỗ ăn, nghỉ, giúp người dân vượt qua khó khăn, thiên tai, bão, lũ, hoạn nạn...
Và còn rất nhiều những tấm gương bình dị mà cao quý, trí tuệ mà gần gũi với đời thường, những điển hình tiên tiến với nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và trong cộng đồng.
Có thể nói, những gương người tốt làm việc tốt là những viên ngọc quý đang mỗi ngày góp công, góp sức của mình xây dựng lối sống tốt đẹp, lối sống mình vì mọi người theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh./.

          Phương Dung (tổng hợp)

          (1), (2): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2011, t7, tr. 406-407, 408.