Thơ được chạm khắc tinh tế trên liên ba của gian chính trong điện Thái Hòa (Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế)

Hệ thống "thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván ở các di tích kiến trúc Huế được xây dựng trong giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945). Đặc biệt, phong cách trang trí "nhất thi nhất họa" ở kiến trúc Huế đã hình thành và phát triển rực rỡ ngay trong giai đoạn này, rồi trở thành như một điển lệ của triều đình trong trang trí công trình kiến trúc cung đình từ đó về sau.

“Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, với gần 3.000 họa tiết trang trí thơ văn, là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; với sự phong phú đa dạng về nội dung, thể hiện trên nhiều chất kiệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng…

“Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 19/5/2016, tại Hội nghị lần thứ 7 được tổ chức tại thành phố Huế (Việt Nam).