Hà Nội (TTXVN 21/11/2021) Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11/2021. Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của hai nước trong suốt những năm qua trên cơ sở sự tin cậy về chính trị và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước.

* Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ với sự tin cậy cao

Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có nền văn hóa truyền thống với nhiều nét tương đồng như: cùng thuộc nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng đa thần thờ phụng tổ tiên, đạo Phật được truyền bá rộng rãi... Người dân hai nước đều cần cù chịu khó, tự lực tự cường, luôn có nghị lực vươn lên và đã làm nên nhiều thành tựu lớn. Sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc, là nền tảng vững bền cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, đến nay sau 48 năm, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009) và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014).

Trong suốt nhiều năm qua, sự tin cậy về chính trị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng được củng cố và tăng cường thông qua các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp, đặc biệt là cấp cao diễn ra thường xuyên. Gần đây nhất là chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 6/2019 và tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito tháng 9/2020); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide (tháng 10/2020)... Các chuyến thăm cũng như các cuộc gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo hai nước bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực đã góp phần củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển có hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, hai bên cũng duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, như: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch từ năm 2007; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt-Nhật về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2010; Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng từ năm 2012; Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng từ năm 2013.

Cùng với đó, hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM… đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, hai nước đã hợp tác tích cực vào thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng và thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

* Hợp tác kinh tế - điểm sáng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 34,3 tỷ USD. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… mà Việt Nam có thế mạnh; ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu máy móc, phụ tùng, thiết bị… sang Việt Nam.

Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 với 4.690 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện đăng ký vốn đầu tư đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư, tăng 89,9% so với cùng kỳ.

Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất của Việt Nam. Kể từ năm 1992 tới nay, Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng viện trợ ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD. Nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, như: Nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Cầu Cần Thơ, Hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các nhà máy điện…

* Hỗ trợ nhau vượt khó khăn do đại dịch

Bên cạnh việc hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, không thể không nhắc tới sự giao lưu ngày một gần gũi hơn giữa các địa phương. Hàng năm có hơn 1,4 triệu lượt người Việt Nam và Nhật Bản đi lại giữa các nước. Nhiều địa phương Nhật Bản đã chọn Việt Nam là một trong những ưu tiên hợp tác trong chiến lược chấn hưng kinh tế của mình. Nhiều địa phương của hai nước đã ký văn bản hợp tác, như: TP Hồ Chí Minh-Osaka, Đà Nẵng-Sakai, Hà Nội-Fukuoka, Đà Nẵng-Yokohama, TP Hồ Chí Minh-Yokohama, Đồng Nai-Hyogo, Bà Rịa-Vũng Tàu-Kawasaki, Phú Thọ-Nara, Huế-Kyoto, Hưng Yên-Kanagawa, Hải Phòng-Niigata và Nam Định-Miyazaki…

Cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã vượt 420.000 người, là cộng đồng người nước ngoài đứng thứ ba tại Nhật Bản. Người Việt Nam đã có mặt sinh sống, lao động và học tập tại tất cả các tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Đây thực sự là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đang ngày càng phát triển giữa hai nước; cũng là nguồn tài sản quý, là cầu nối vun đắp cho quan hệ hai nước trong tương lai.

Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Số du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là hơn 75.000 và số thực tập sinh kỹ năng là trên 140.000. Nhật Bản đã hợp tác để nâng cấp và xây dựng một số trường đại học của Việt Nam nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; đồng thời Nhật Bản cũng hỗ trợ dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Về giao lưu văn hóa, các lễ hội thường niên, như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam và Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… luôn được đông đảo nhân dân hai nước đón nhận. Nhật Bản còn là đối tác du lịch lớn của Việt Nam. Năm 2019 Việt Nam đón xấp xỉ 522.000 lượt khách Nhật Bản, tăng trên 15% so với 2018. Nhật Bản nằm trong top 5 thị trường quốc tế có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, với tổng lượng du khách sang Nhật Bản năm 2019 đạt gần 495.000, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản đứng đầu so với các nước.

Ngoài ra, hợp tác trên các lĩnh vực mới như nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường… cũng phát triển mạnh mẽ, là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa hai nước.

 Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Việt Nam và Nhật Bản đã hỗ trợ kịp thời lẫn nhau. Cụ thể, trong năm 2020, Việt Nam đã gửi tặng khẩu trang y tế cho Nhật Bản. Năm 2021, Nhật bản đã hỗ trợ Việt Nam hơn 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Mới đây, tại cuộc họp báo ngày 15/10/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Motegi Toshimitsu thông báo sẽ viện trợ thêm 500.000 liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam. Ngoài vaccine, Chính phủ Nhật Bản cũng đã trao tặng cho Việt Nam 300 tủ lạnh bảo quản vaccine.

Phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm chính thức Nhật bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chánh Văn phòng Nội các Matsuno - Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản - khẳng định: “Việt Nam là một đối tác (của Nhật Bản) để hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi hy vọng tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật Bản-Việt Nam và xây dựng sự tin tưởng cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước”.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã gặp nhau bên lề Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), hai bên đã nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới./.

Minh Duyên (tổng hợp)