Danh nhân Tô Hiến Thành, sinh năm 1102, tại làng Hạ Mỗ, nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ông là một trung thần văn võ song toàn và là một vị quan thanh liêm lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Ông là đại thần phụ chính phụng sự hai triều vua Lý là Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Với sự tận trung của Thái úy Tô Hiến Thành, vị thế của Quốc gia Đại Việt dưới thời Lý Anh Tông trở nên lớn mạnh với các nước lân bang và với nhà Tống. Nhà Tống phải công nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập vào năm 1164.

Đến cuối đời, ông làm đến chức Nhập nội Kiểm hiệu Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng).

Năm 1179, ông ốm nặng và mất đi trong sự tiếc thương vô tận của nhà vua và bách quan, trăm họ...

Trong ghi chép “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hiến Thành là một danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa của đất nước. Tô Hiến Thành được ghi nhận công lao trong công cuộc xây dựng nền văn hóa của thời đại. Ông còn được coi là một vị đại thần trong văn hiến, được quốc sử trân trọng khi ghi chép.

Hiện nay, nhiều địa phương tôn vinh Tô Hiến Thành làm Phúc thần; nhiều nơi thờ ông làm Thành hoàng, còn quê hương Hạ Mỗ ở Đan Phượng thì tôn ông làm Chủ thần điện Văn Hiến đường. Văn bia ở Văn Hiến đường, dựng vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928) còn ghi rằng: “Công trạng của Ngài còn mãi với đất nước, ân trạch của Ngài còn mãi với xóm thôn, anh linh của Ngài còn mãi trong trời đất”.