Hà Nội (TTXVN 27/4/2022) Với 62 năm tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện là người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Là Tổng Bí thư của Đảng những năm đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người cầm lái số một con thuyền cách mạng Việt Nam, ghi đậm dấu ấn về một nhà lãnh đạo giàu bản lĩnh và có phong cách độc đáo. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh qua đời ngày 27/4/1998.
Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (tháng 1/1989). Ảnh: Xuân Lâm - TTXVN

* Tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức của người cộng sản

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915 tại Hà Nội, trong một gia đình công chức quê ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, 14 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1930, khi mới 15 tuổi, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo, địa ngục trần gian mà kẻ thù lập nên hòng đè bẹp ý chí của các chiến sĩ cách mạng. Năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân ở Pháp, đồng chí được trả tự do trở về hoạt động, tham gia khôi phục Thành uỷ Hải Phòng, trở thành Bí thư Thành uỷ Hải Phòng. Đầu năm 1939, đồng chí được Trung ương Đảng cử vào tham gia Thành uỷ Sài Gòn, làm Phó Bí thư Thành uỷ. Cuối năm 1939, đồng chí được Đảng phân công đi khôi phục các tổ chức đảng ở các tỉnh Trung Kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt, bị kết án và đày đi Côn Đảo lần thứ hai.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về hoạt động ở Nam Bộ, cùng đồng bào, đồng chí miền Nam đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, Bí thư đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam, thành đồng Tổ quốc, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi hi sinh, gian khổ đánh bại mọi âm mưu, mọi chiến lược chiến tranh của kẻ thù xâm lược. Đồng chí có những đóng góp, cống hiến to lớn đối với mỗi bước phát triển của cách mạng miền Nam trong suốt 30 năm của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đảng ta khẳng định: "Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thuộc về toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh" (1).

Trong ảnh: Cán bộ, công nhân Nông trường Tam Đảo mừng đón Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm, ngày 4/9/1987. Ảnh: Xuân Lâm - TTXVN

Đất nước hoà bình, thống nhất, non sông liền một dải, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị (khoá IV, V), Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đến lần thứ VIII (1996), đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, dù ở vị trí công tác nào, đồng chí đều hết lòng vì Đảng, vì dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

* Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo 

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, đồng chí đã trăn trở, tìm cách tháo gỡ những khó khăn của Thành phố vừa mới được giải phóng, trăn trở về hiệu quả đối với sự phát triển đất nước của biện pháp cải tạo các thành phần kinh tế, về cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, mệnh lệnh hành chính kéo dài đã đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Với tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, đồng chí đã ủng hộ, khuyến khích những sáng tạo, tìm cách làm ăn mới của nhân dân, của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố với tinh thần "đấu tranh cho cái mới cũng đòi hỏi phải dũng cảm, hy sinh... Việc gì có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân, các đồng chí cứ yên tâm mà làm". Kết quả, chỉ sau một thời gian, nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuyển biến rõ rệt, mang tính đột phá. Hàng chục nghìn cơ sở sản xuất nhỏ và sản xuất kinh doanh của hộ gia đình bị đình trệ trước đó đã được khôi phục và hoạt động trở lại. Những thành tựu về sự năng động, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển sản xuất kinh doanh đã góp phần đưa Thành phố sớm trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Đồng chí thường xuyên báo cáo những chuyển động ở cơ sở lên các đồng chí lãnh đạo Trung ương, mời các đồng chí lãnh đạo Trung ương khảo sát, tìm hiểu những cơ sở có cách thức làm ăn mới ở Thành phố Hồ chí Minh. Bằng những việc làm đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ VI, ngày 18/12/1986. Ảnh: Minh Đạo - TTXVN

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Là một trong những người khởi xướng và tích cực chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới, đồng chí luôn khẳng định: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà để đạt tới mục tiêu đó; phải có những hình thức, phương pháp và bước đi phù hợp với quy luật; đổi mới phải có tính nguyên tắc, mà nguyên tắc hàng đầu là phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Tại các lớp học của cán bộ quán triệt Nghị quyết Đại hội VI, các Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khoá VI), đồng chí nhiều lần khẳng định: Đảng ta chủ trương từng bước đổi mới toàn diện và triệt để, trọng tâm là đổi mới kinh tế, đồng thời đổi mới tổ chức, cán bộ, phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị một cách phù hợp. Đồng chí luôn quán triệt quan điểm: “Đổi mới là cách mạng”, muốn thắng lợi, phải quyết tâm, phải có phương pháp đúng, phù hợp, đồng thời có sự đột phá. Trước hết là “đột phá” trên mặt trận tư tưởng, đồng chí đã sử dụng báo chí làm “vũ khí lý luận” để tấn công, đả phá tư tưởng trì trệ, lạc hậu và tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng..

Đồng chí đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu, bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định và tinh thần đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn. Đó là những quyết sách nhằm ổn định kinh tế để phát triển và ổn định tình hình mọi mặt của đất nước, từng bước tháo gỡ khó khăn; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Cùng với đó, đổi mới khâu lưu thông, phân phối, tích cực vận động kinh tế, từng bước phá vỡ thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thể hiện qua việc xác định, Đảng phải đổi mới nhiều mặt như tư duy kinh tế, đổi mới về tổ chức, đội ngũ cán bộ, phong cách lãnh đạo, mọi mặt công tác.

Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, với niềm tin vững chắc vào tiền đồ chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã chỉ đạo soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế đến năm 2000, được Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991 thông qua.

Thế nhưng, trong bài phát biểu bế mạc Đại hội VII, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có "mấy lời về cá nhân": "... Hơn bốn năm qua, tôi đã nhận được sự cộng tác, phối hợp, giúp đỡ chân tình của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, của các cấp ủy đảng, các tập thể và cá nhân đồng chí, đồng bào. Dù biết mình có nhiều cố gắng, song tôi vẫn cảm thấy chưa làm được nhiều hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa cho dân tộc, cho đất nước. Đó là điều tôi vẫn băn khoăn". Thật là một lời nói thẳng, nói thật, khiêm nhường mà cao quý!

Với 83 năm tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản "tận trung với nước, tận hiếu với dân", "cần kiệm liêm chính chí công vô tư", tình nghĩa, thủy chung với đồng chí, đồng bào. Nhân dân nhiều địa phương còn nhớ mãi hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư trong bộ quần áo kaki đi trên chiếc xa Lada, không có cảnh sát dẫn đường đến với các địa phương, cơ sở. Là một người cộng sản mẫu mực, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh là niềm tự hào của Đảng ta và nhân dân ta.

Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi qua chặng đường hơn 35 năm. Đây là một chặng đường đáng ghi nhớ trong những mốc son lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc. Qua hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Đó là cơ sở để nhân dân tin tưởng vào Đảng, vào chế độ, vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành tựu đó được bạn bè quốc tế đánh giá cao đang tạo ra tiền đề và những điều kiện thuận lợi để nước ta tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn trong những năm tới.

Làm nên sự nghiệp đổi mới đất nước là công lao của toàn Đảng, toàn dân và không thể nhắc tới người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh./.

Diệp Ninh (tổng hợp)

(1): Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn văn Linh, ngày 29-4-1998, Báo Nhân dân, ngày 30/4/1998