Ngày 6.4.1972, Tổng thống Mĩ Nichxơn ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần II (6.4.1972- 15.1.1973) đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam, mở đầu bằng Chiến dịch Lainơbêchcơ (6.4-22.10.1972) nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam, ngăn chặn cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, cứu nguy cho chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mĩ. Cùng với việc sử dụng lực lượng lớn không quân mở rộng đánh phá các mục tiêu quân sự, kinh tế và khu dân cư từ Vĩnh Linh đến Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, quân đội Mĩ đã huy động phần lớn tàu chiến thuộc Hạm đội 7 tăng cường hoạt động trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, tiến hành pháo kích các mục tiêu ven biển, đồng thời thả hàng nghìn thuỷ lôi, mìn từ trường phong toả các cảng, cửa sông và vùng ven biển từ Hải Phòng đến Quảng Bình.
Đối phó với âm mưu của địch, Bộ tổng tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân bên cạnh việc mở mặt trận đánh địch trên không, cần tích cực chuẩn bị đánh địch trên mặt đất và mặt nước. Thực hiện chỉ thị trên, ngay từ cuối năm 1971, Bộ tư lệnh Binh chủng không quân đã tuyển lựa 10 phi công lái máy bay MiG-17 thuộc Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) để huấn luyện kĩ thuật bay biển và chiến thuật công kích trên biển, với sự giúp đỡ và trực tiếp tham gia huấn luyện của chuyên gia quân sự Cuba. Sau thời gian huấn luyện, đến tháng 3.1972, Trung đoàn 923 đã chọn được 6 phi công thuần thục động tác bay thấp và thực hành ném bom các mục tiêu trên biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Để bảo đảm cho trận đánh, Bộ tư lệnh Binh chủng thành lập sở chỉ huy tiền phương tại Quảng Bình do Phó Tư lệnh Binh chủng Nguyễn Phúc Trạch chỉ huy chung; đồng thời Trung đoàn Không quân 923 cũng tổ chức bộ phận sở chỉ huy trực tiếp ở Đồng Hới và sân bay Gát (sân bay dã chiến ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ngoài ra, Bộ tư lệnh Binh chủng còn thành lập một tổ chỉ huy bổ trợ tại sở chỉ huy tiền phương Bộ tư lệnh Hải quân, bố trí đài quan sát tại cửa Dinh và Trạm rađa đối hải 403 (Trung đoàn rađa 291) ở cửa Nhật Lệ, nhằm thu thập thông tin tình báo trên biển, kịp thời cung cấp cho hệ thống chỉ huy.

Trận chiến đấu không quân (19/4/1972)

 Ngày 10.4, các phi công và thợ máy làm nhiệm vụ đánh tàu địch được lệnh mang theo bom đạn (gồm 2 cơ số bom loại 250 kg, đạn 37 mm, 23 mm) và khí tài vào sân bay Gát; tiếp đó, từ 15 giờ 45 phút đến tối 18.4 các phi công Lê Hồng Điệp và Từ Đễ cũng được lệnh lần lượt lái 2 chiếc MiG-17 từ sân bay Kép qua các sân bay Gia Lâm, Vinh, bí mật hạ cánh an toàn xuống sân bay Gát. Ngay trong đêm, các chiến sĩ bảo đảm mặt đất và thợ máy nhanh chóng đưa máy bay vào vị trí an toàn, làm công tác ngụy trang, kiểm tra kĩ thuật và chuẩn bị vũ khí cho máy bay (mỗi máy bay lắp 2 quả bom), bảo đảm sẵn sàng chiến đấu. Cũng trong đêm 18.4 (từ 23 giờ đến 23 giờ 50 phút), 4 tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 vẫn hoạt động cách bờ biển tỉnh Quảng Bình 10-15 km, pháo kích các khu vực Quảng Xá và Lí Nhân Nam, chứng tỏ địch chưa phát hiện sự di chuyển của máy bay ta.
Ngày 19.4, biên đội làm nhiệm vụ trực chiến gồm Lê Xuân Dỵ (số 1), Nguyễn Văn Bảy (số 2). Khoảng 9 giờ 30 phút, sau khi Trạm rađa 403 ở Nhật Lệ phát hiện 3 tốp tàu địch (13 chiếc) hoạt động ở các khu vực ngoài cửa biển phía đông Lệ Thủy, cửa Dinh, cửa Sót (cách bờ khoảng 40-120 km), biên đội được lệnh vào cấp 1. Tuy nhiên, do trời mù, tầm nhìn hạn chế, sở chỉ huy chưa cho máy bay cất cánh, đồng thời ra lệnh cho các đài quan sát tiếp tục theo dõi và thông báo kịp thời hoạt động của địch. Từ 15 giờ, các tốp tàu địch có sự di chuyển vào các khu vực đông Lí Hoà 15 km, đông Quảng Trạch 7 km và đông nam Lí Hoà 18 km. 16 giờ 5 phút, sau khi sở chỉ huy hải quân, Trạm rađa 403 và các đài quan sát của binh chủng cùng lúc phát hiện một tốp tàu địch ở phía đông Nhật Lệ 16 km, biên đội được lệnh cất cánh. Sau khi tập hợp đội hình, biên đội bay chếch về điểm cao 280, cách bờ 10 km rồi vòng phải, bắt liên lạc với sở chỉ huy ở Đồng Hới và được lệnh công kích tốp tàu địch tại vị trí nằm chếch về hướng nam 15°.
Khi vượt qua cửa Lí Hoà, bằng khả năng phán đoán và quan sát xa trên biển, số 1 Lê Xuân Dỵ phát hiện tàu địch ở cự li khoảng 10-12 km, được sở chỉ huy dẫn đường bay ra biển, vòng trái hướng về phía mục tiêu rồi tăng lực, cải bằng, thực hành công kích ở độ cao cách mặt biển 50 m, Lê Xuân Dỵ thả 2 quả bom trúng tàu địch ở cự li khoảng 750 m, sau đó cho máy bay vòng trái, nhanh chóng thoát li và hạ cánh an toàn xuống sân bay Gát lúc 16 giờ 18 phút. Trong quá trình số 1 Lê Xuân Dỵ vòng trái ra biển chuẩn bị công kích, số 2 Nguyễn Văn Bảy tách khỏi đội hình làm nhiệm vụ cảnh giới, khiến cho cự li giãn cách ngày càng xa, khi quay lại không thấy số 1. Trước tình huống đó, số 2 Nguyễn Văn Bảy tiếp tục bay đến đông bắc cửa Dinh, phát hiện mục tiêu và thực hành cắt bom trúng đuôi tàu địch; 16 giờ 22 phút được lệnh hạ cánh xuống sân bay Gát.
Kết quả sau 17 phút chiến đấu, biên đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập công xuất sắc, trong đó số 1 Lê Xuân Dỵ ném bom trúng tàu khu trục USS Hichbi (Higbee DD-806), phá huỷ tháp pháo 2 nòng 127 mm phía sau tàu, làm bị thương 4 thuỷ thủ; số 2 Nguyễn Văn Bảy ném bom tuần dương hạng nhẹ mang tên lửa USS Ôklahôma Xiti (Oklahoma City CLG-5), phá hỏng hệ thống rađa đối không. Sau trận đánh này, Đô đốc Thômat Murơ (Thomas Moorer), Tư lệnh lực lượng quân sự Mĩ ở Thái Bình Dương phải ra lệnh lui tàu ra xa bờ và tạm ngừng pháo kích 3 ngày để tìm cách đối phó với không quân Việt Nam. Đồng thời để trả đũa, chiều 19.4 không quân Mĩ tập trung đánh phá ác liệt các sân bay Đồng Hới, Vinh; 3 ngày sau đánh phá sân bay Gát và phá hỏng 1 máy bay MiG-17F.
Trận đánh gây xôn xao dư luận Mĩ. Đây là lần đầu tiên máy bay ta vượt qua hệ thống phòng thủ hiện đại của hải quân Mĩ và tổ chức thành công trận đánh tàu chiến thuộc Hạm đội 7. Thắng lợi của trận đánh tạo tiền đề cho việc xây dựng lực lượng tiêm kích - bom và mở ra khả năng chiến đấu mới của Không quân nhân dân Việt Nam, đồng thời để lại bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức, chỉ huy, chiến thuật, kĩ thuật tác chiến không quân, trong đó nổi bật là yếu tố bí mật, bất ngờ, chủ động, kiên quyết tiến công.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)