Căn cứ Đồng Tháp Mười đóng trên địa hình phức tạp chủ yếu là đầm lầy, kênh rạch chằng chịt, cỏ lác lút đầu người, rộng khoảng 7.000 km2, là vị trí trung chuyển, tiếp tế giữa các vùng ở Nam Bộ và Campuchia. Từ Đồng Tháp Mười, bộ đội ta có thể xuất phát tiến công địch, uy hiếp các trục đường quan trọng ở phía tây Sài Gòn. Trong Kháng chiến chống Pháp, Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng chiến quan trọng bậc nhất của ta, nơi đóng quân của các cơ quan đầu não địa phương như: ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Bộ tư lệnh Nam Bộ và Bộ chỉ huy các chiến khu 7, 8, 9; ngoài ra còn có các kho tàng, binh công xưởng. Từ lâu, Pháp đã coi Đồng Tháp Mười là căn cứ chính, là “thủ đô kháng chiến” của ta ở Nam Bộ. Thực hiện âm mưu tiêu diệt căn cứ Đồng Tháp Mười, địch huy động 11 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, trong đó có Bán Lữ đoàn Lê dương 13 (13DBLE) do Đại tá Đơ Sêrinhê (De Sairigné) chỉ huy, 3 đại đội thiết giáp, 2 tiểu đoàn xe lội nước “con cua”, 1 đại đội công binh, 4 đội tàu đổ bộ, 9 pháo 105 mm, 13 máy bay. Tại thời điểm diễn ra trận đánh lực lượng ta gồm Đại đội 1 bộ đội địa phương (Chi đội 12, Đại đội trưởng Nguyễn Bá Bội) và Đại đội bộ đội hải ngoại (Đại đội trưởng Kiều Mạnh Giá), chỉ huy trận đánh là Huỳnh Tấn Chùa (Chi đội phó Chi đội 12).
Sáng 14.2.1948, từ 3 hướng, địch tổ chức cuộc hành quân bao vây và tiến công vào căn cứ Đồng Tháp Mười. Cụ thể 1 cánh quân từ phía nam trên kênh Trà Cú Thượng, 1 cánh quân từ phía bắc tại biên giới Campuchia và cánh quân thứ 3 từ phía đông trên sông Vàm cỏ Đông, kết hợp với đổ quân dù trên hướng Giồng Kinh để khép vòng vây căn cứ Đồng Tháp Mười. Trưa 14.2, ba hướng bao vây đã khép lại, quân địch tiến vào trung tâm căn cứ Đồng Tháp Mười và bắt đầu cuộc càn quét, lùng sục, tìm diệt các cơ sở của ta. Do địa hình phức tạp, lầy lội, nhiều kênh rạch, quân địch hành quân gặp nhiều trở ngại cả trên đường bộ và đường thủy; ngược lại, do quen thuộc địa hình quân ta chiến đấu linh hoạt, né tránh hoặc kiềm chế những cánh quân mạnh của địch. Tại khu vực nhảy dù, quân địch rơi vào bãi chông tre ta đã bố trí sẵn, bị lực lượng ta tiến công tiêu diệt, thu một số vũ khí và trang bị. Trên hướng sông Vàm cỏ Đông, ta triển khai lực lượng chặn địch bằng nhiều biện pháp như phục kích, tập kích, quấy rối, bắn tỉa kết hợp gài mìn và địa lôi đế ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt những tốp nhò lẻ, thực hiện đánh nhanh rút nhanh, tránh chỗ địch mạnh, đánh chỗ địch yếu. Ban ngày quân ta ẩn náu trong các hầm bí mật và cỏ lác xuất hiện bất ngờ đánh nhanh, rút nhanh; ban đêm bất ngờ xuất hiện tiến công gây cho địch căng thẳng về tinh thần, bị động đối phó và tiêu hao sinh lực địch. Trước lối đánh mưu trí, sáng tạo của ta, một lực lượng lớn của địch được trang bị phương tiện hiện đại đã phải bất lực. Kết quả, sau 4 ngày bao vây, tiến công, lùng sục, càn quét, đến ngày 18.2, cuộc hành quân lớn nhất của Pháp ở Nam Bộ bị thất bại; ta đã loại khởi chiến đấu hơn 200 quân địch, thu nhiều vũ khí trang bị; phía ta hi sinh 30 người, một số kho tàng bị quân địch đốt phá.
Trận Đồng Tháp Mười đã đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn nhất của Pháp ở Nam Bộ với ý đồ tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và đánh quỵ bộ đội chủ lực của ta; quân và dân ta đã thực hiện thành công lối đánh nhanh, rút nhanh, tránh đương đầu với lực lượng mạnh của quân Pháp, từng bước tiêu hao sinh lực địch; để lại nhiều bài học kinh nghiệm về cách đánh du kích, góp phần giữ vững và phát triền chiến khu Đồng Tháp Mười trong kháng chiến chống Pháp.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)