Thực hiện kế hoạch bình định vùng đồng bằng Nam Bộ do tướng Đờ Latua (Tư lệnh quân Pháp ở Nam Bộ) vạch ra, đầu 1948 tại Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định, quân Pháp gấp rút thiết lập hệ thống đồn bốt, tháp canh dọc theo quốc lộ 4, tỉnh lộ 10 và một số thị trấn trong khu vực, đồng thời mở các cuộc hành quân càn quét tập trung vào các khu căn cứ ở Thủ Đức, Hóc Môn, Trung Quận (Chợ Lớn), nhằm tìm diệt lực lượng vũ trang Cách mạng và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta. Nắm được ý đồ của địch, Tiểu đoàn 923 được giao nhiệm vụ phối hợp với một số đơn vị của Trung đoàn Phạm Hồng Thái và du kích địa phương triển khai đánh địch càn quét ở khu vực Láng Le (căn cứ Vườn Thơm - Bà Vụ, thuộc địa bàn các xã Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo), nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau khi nghiên cứu tình hình, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 923 khẩn trương xây dựng kế hoạch quyết tâm chiến đấu, theo đó bố trí 1 đại đội ở 2 bên rạch Láng Le, từ cầu Bà Điểm về hướng đông bắc; 1 đại đội ở ấp Tân Lợi Tây và khu vực cầu Bà Bộ; 1 đại đội ở ấp Hòa Thới; vị trí chỉ huy tiểu đoàn đặt ở Láng Le. Bộ phận của Trung đoàn Phạm Hồng Thái bố trí ở khu vực Mĩ Phú; lực lượng du kích địa phương dùng tre gỗ đóng cọc tạo vật cản trên kênh Lí Văn Mạnh và tổ chức đánh nhỏ phổi hợp với bộ đội trên các mũi tiến công của địch. Theo kế hoạch hiệp đồng chiến đấu, địch vào khu vực đơn vị nào thì đơn vị đó chủ động tổ chức ngăn chặn, các đơn vị khác ở gần sẽ nhanh chóng vận động đánh vào bên sườn và phía sau để chi viện; nếu địch quá mạnh mà ta không đủ sức bám trụ và ngăn chặn, các đơn vị phải kịp thời hỗ trợ cho nhau lần lượt rút về Láng Le để triển khai thực hiện phương án chiến đấu tiếp sau.
Ngày 14.4, địch tập trung khoảng 3 nghìn quân (phần lớn là lính Âu - Phi, có 1 đại đội người Khơme) cùng 20 xe thiết giáp, 2 tàu thủy và 4 tàu đổ bộ, được máy bay, pháo binh yểm trợ hành quân theo quốc lộ 4 và tỉnh lộ 10 về tập kết tại khu vực bốt Bình Điền, Bà Hom, Tân Bửu (An Thạnh) chuẩn bị triển khai tiến công. Ngay trong đêm 14.4, các đơn vị của Tiểu đoàn 923 và Trung đoàn Phạm Hồng Thái sử dụng hỏa lực tập kích một số vị trí ở khu vực Tân Túc, Tân Thạnh, Tân Kiên, Hộ 1 và 17 (Chợ Lớn), gây cho địch một số thiệt hại, sau đó nhanh chóng rút về bố trí lực lượng tại các trận địa chuẩn bị trước, sẵn sàng chặn đánh các cánh quân địch càn quét. 6 giờ ngày 15.4, quân Pháp tố chức lực lượng thành 3 cánh, từ tỉnh lộ 10 qua lộ Đông Dương và từ sông Vàm cỏ Đông cùng lúc tiến vào khu vực Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt và chợ Lí Văn Mạnh (trung tâm căn cứ). Trên hướng bắc và đông, sau khoảng 1 giờ dùng máy bay trinh sát quần đảo bắn phá, các mũi bộ binh, xe thiết giáp và xe lội nước của địch dàn đội hình hàng ngang theo đường bộ và đường các kênh rạch, tạo thành vòng cung bao vây tiến công từ Phú Lâm - Bình Trị ở phía đông bắc xuống Tân Kiên, Mĩ Phú, bọc xuống phía nam và tây nam đến Lương Phú. Tại đây, quân Pháp bị 2 đại đội (3, 4) của Tiểu đoàn 923 và 1 đại đội của Trung đoàn Phạm Hồng Thái phối hợp chặn đánh quyết liệt. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, sau 1 giờ chiến đấu, bộ đội ta phải tạm rút về phía sau ở khu vực rạch Láng Le. Trong khi đó, trên hướng đông nam, quân Pháp dùng tàu đổ bộ chở 1 tiểu đoàn từ sông Chợ Đệm theo rạch Cái Tâm vào kênh Xáng Đứng triển khai đánh bọc hậu vào căn cứ; đồng thời ở hướng tây bắc, mũi vu hồi của địch gồm 1 đại đội người Khơme từ Đức Hòa đánh chiếm khu gò bãi chợ Trịnh Khánh Ân nhằm ngăn chặn đường rút của quân ta.

 

Dựa vào ưu thế về binh, hỏa lực, quân Pháp tập trung đánh mạnh ở hướng bắc và hướng đông, tiến sát đến khu vực trận địa phòng ngự của ta ở Rạch Chùa. Trước sức ép tiến công của địch, các đại đội ta ở khu vực rạch Láng Le phải tiếp tục rút về khu vực cầu Bà Diêm và rạch Cái Tâm, phối hợp với các đại đội 1 và 2 (Tiểu đoàn 923) tổ chức ngăn chặn địch. Trận đánh diễn ra ngày càng quyết liệt, đến khoáng 11 giờ, quân Pháp đã khép chặt được vòng vây. Để bào toàn lực lượng, Ban chi huy Tiểu đoàn 923 quyết định thực hiện phương án phá vây. Sau lần phá vây thứ nhất về hướng Bàu Cò không thành công, ta chuyển sang hướng kênh Xáng Đứng, tại khu vực chợ Trịnh Khánh Ân. Bằng cách tập trung hỏa lực bắn chế áp rồi đồng loạt xung phong đánh giáp lá cà với địch, Tiểu đoàn 923 đã đánh chiếm và mở vây được khu vực qua kênh Xáng Đứng, sau đó giành lại thế chủ động, đánh tạt sườn và vu hồi vào sau lưng quân địch, đến 17 giờ hoàn thành việc đưa bộ đội, thương binh về căn cứ Bà Vụ an toàn.
Kết quả, ta loại khỏi chiến đấu hơn 300 địch (trong đó bắt một số lính Pháp), phá hủy 5 xe quân sự, thu 85 súng máy và súng trường cùng nhiều trang bị quân sự khác; ta thương vong 105 người, trong đó riêng bộ đội hi sinh 32, bị thương 40, 17 người mất tích. Đây là trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn từ sau khi thành lập các trung đoàn. Mặc dù lực lượng ít hơn địch nhiều lần, nhất là về vũ khí trang bị, nhưng với tinh thần chiến đấu kiên quyết, dũng cảm, các chiến sĩ Tiếu đoàn 923 cùng với Trung đoàn Phạm Hồng Thái và du kích địa phương đã tổ chức, phối hợp chiến đấu thắng lợi, bảo vệ an toàn lực lượng và căn cứ, làm thất bại âm mưu càn quét của địch. Cùng với các trận đánh tiêu biểu ở chiến trường Nam Bộ lúc bấy giờ như La Ngà (1.3.1948), Mộc Hóa (16-19.8.1948), thắng lợi của trận đánh đã góp phần cổ vũ khí thế kháng chiến của quân và dân ta trên cả nước, đồng thời để lại những bài học về trình độ tổ chức chỉ huy, về vận dụng nguyên tắc chiến thuật, cách đánh cũng như khả năng phát huy tác dụng của các loại vũ khí chông mìn, cạm bẫy, được Bộ tổng tham mưu đúc kết thành kinh nghiệm phổ biến cho các đơn vị trên các chiến trường học tập và vận dụng, đánh thắng các cuộc hành quân càn quét của địch trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)