Thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 tại Đắk Lắk.
“Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk” có tên gọi khác là Nghề trồng cà phê Đắk Lắk, đây là loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Tri thức trồng và chế biến cà phê được nhận diện ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắk, Ea H’leo, Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ. Chủ thể văn hóa của Tri thức trồng và chế biến cà phê là những cá nhân, gia đình nắm giữ tri thức trồng và chế biến cà phê được trao truyền qua các thế hệ trong gia đình, cộng đồng, bao gồm hầu hết những người dân tộc tại chỗ như Ê Đê, M’Nông và cả những người nhập cư từ nơi khác đến đây sinh sống và trồng cà phê từ những năm 50 của thế kỷ XX.
Trong không gian văn hóa của di sản gồm: không gian trồng cà phê, không gian chế biến cà phê và không gian thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến cây cà phê. Những vườn cà phê (rẫy cà phê) là không gian thực hành, biểu hiện cho tri thức trồng và chế biến cà phê của cộng đồng cư dân. Vườn cà phê có thể nói là tài sản được kế tục qua các thế hệ trong gia đình.
Ngày 5/3/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức chứng nhận “Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 548/QĐ-BVHTTDL).