13 liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Truông Bồn. Nguồn: báo Nghệ An

Ngày 31/10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. 13 tuổi thanh xuân, 13 câu chuyện vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất. Người trẻ nhất là chị Nguyễn Thị Hoài mới 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Tâm vừa tròn 22 tuổi và tất cả các anh, các chị chưa ai kịp xây dựng hạnh phúc gia đình.

Họ đã hy sinh khi chỉ ít giờ nữa, anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm, đã yêu nhau suốt 3 năm, sẽ đưa nhau về ra mắt nhà gái trong lễ đính hôn; chị Đàm Thị Bốn sẽ được xuất ngũ về với mẹ do anh trai vừa hy sinh ở chiến trường; các chị Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên và Nguyễn Thị Phúc sẽ về nhà chuẩn bị đi học ở Trường trung cấp Y tế Nghệ An do đã đủ thời gian công tác ba năm ở Tổng đội. Họ đã hiến dâng tuổi trẻ, tình yêu, ước vọng tương lai của mình để làm nên một Truông Bồn bất tử, một huyền thoại về ý chí bất khuất, kiên cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến vĩ đại trong thế kỷ XX.

Cùng với Đồng Lộc, Hang tám cô, Thành cổ Quảng Trị và nhiều địa danh lịch sử khác, Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại về mảnh đất thiêng liêng, thấm đẫm máu đào của các Anh hùng liệt sĩ, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, là dấu son cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là niềm tự hào của tất cả chúng ta và các thế hệ con cháu về một thời chiến tranh ác liệt, về chiến thắng vẻ vang, oanh liệt trước mọi quân thù xâm lược. Truông Bồn mãi mãi là địa chỉ đỏ giáo dục các thế hệ về truyền thống Anh hùng của dân tộc, về tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên cường của cha anh đi trước góp phần cho dân tộc, đất nước ta phát triển vững vàng như ngày hôm nay.