Hà Nội (TTXVN 30/10/2018) Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày cuối cùng của tháng 10 năm 1968, Truông Bồn đã trở thành mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ.

* Truông Bồn - mảnh đất thiêng liêng và bất tử
Truông Bồn là một địa danh thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nằm nằm trên trục đường giao thông 15B, nối Quốc lộ 15A từ Đô Lương tới phà Nam Đàn. Do biết đây là tuyến đường vận tải chiến lược, là yết hầu của con đường chi viện cho miền Nam nên ngay từ những ngày đầu của chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ đã xác định điểm trọng yếu của tuyến đường 15B là ở “tọa độ Truông Bồn” và Truông Bồn đã trở thành một trong những túi bom lớn trên đất Nghệ An. Bom đạn Mỹ đã làm cho một vùng Truông Bồn vốn xanh tươi, trù phú trở nên hoang tàn, rừng bị tiêu huỷ, hầu hết các thôn làng bị tàn phá nặng nề.
Nếu chỉ tính từ ngày 31/3/1968  đến ngày 30/10/1968, không quân Mỹ đã tập trung đánh vào trọng điểm Truông Bồn 574 trận, ném xuống đây 8.423 quả bom các loại. Trung bình cứ 20 ngày trong 1 tháng, địch lại đánh vào trọng điểm Truông Bồn. Riêng trong các tháng 8, 9 và 10 năm 1968, chúng đánh cả 30 ngày trong tháng. Ban ngày, địch dò tìm và đánh diệt các trận địa phòng không, phá cầu, gần tối, chúng đánh bom nổ chậm kết hợp với từ trường, tối lại chăng pháo sáng đánh bom sát thương, bom bi để ngăn chặn lực lượng ta ứng cứu tuyến đường.
Bởi vậy, nói đến Truông Bồn là nói về một chứng tích hào hùng, bất hủ, ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta để bảo vệ trọng điểm huyết mạch này trong cuộc chiến đấu chống Mỹ,cứu nước. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt vào ngày 31/10/1968 của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử” - “Tiểu đội thép” - “Tiểu đội cọc tiêu sống” anh hùng thuộc Ðại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Nghệ An.
Các chị, các anh đã ngã xuống để cùng với quân và dân ta làm nên chiến thắng Truông Bồn như một huyền thoại trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng Truông Bồn là chiến thắng của lòng quả cảm, ý chí kiên cường, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

* Những người con làm nên một Truông Bồn bất tử
Năm 1967, Đại đội Thanh niên xung phong 317- Đại đội thanh niên xung phong chủ lực được lệnh chuyển đến Truông Bồn. Tháng 7/1968, Đại đội cử 14 chiến sỹ, gồm 12 nữ và 2 nam làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu bom nổ chậm, phối hợp với công binh phá bom, bảo đảm cho chặng đường giao thông qua Truông Bồn luôn thông suốt.
Sau chiến dịch “100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông”, Ban chỉ huy Tổng đội đã cho phép xét chọn 8 thanh niên xung phong đã phục vụ hết thời gian 3 năm và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ. Tất cả 8 người đã chia tay đồng đội, chờ sáng mai trở về nhà. Thế nhưng, đêm 30/10/1968, Đại đội 317 nhận lệnh phải cấp tốc thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Cả 8 thanh niên xung phong chuẩn bị xuất ngũ ấy đã xung phong ở lại cùng các đồng đội của mình ra hiện trường làm nhiệm vụ.
Đến sáng ngày 31/10/1968, khi công việc vừa hoàn thành, bất ngờ máy bay Mỹ đến oanh tạc. Vì giữ nhiệm vụ trực chiến nên 14 thanh niên xung phong “Tiểu đội thép” ấy không kịp rút về hầm trú ẩn. Một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống 52 quả bom, cướp đi tuổi xuân của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép” anh hùng, khi đó chỉ còn 18 giờ nữa là tới thời điểm không quân Mỹ ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. Ngày đó, Truông Bồn chìm trong biển khói lửa.
13 trong số 14 chiến sỹ thanh niên xung phong, trong đó có 11 cô gái và 2 chàng trai, đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ duy nhất có chị Trần Thị Thông - Tiểu đội trưởng còn sống sót. Các anh, các chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất là chị Nguyễn Thị Hoài mới 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Tâm vừa tròn 22 tuổi và tất cả các anh, các chị chưa ai kịp xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Trong đó, anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm yêu nhau suốt 3 năm, họ đã được hai gia đình định ước ngày cưới sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
13 tuổi thanh xuân, 13 câu chuyện vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất. Họ đã hiến dâng tuổi trẻ, tình yêu, ước vọng tương lai... của mình để làm nên một Truông Bồn bất tử. Sự hy sinh của các chị, các anh đã làm nên huyền thoại Truông Bồn.
Trong khu mộ chung tại Khu di tích Truông Bồn hôm nay, tấm bia đá hoa cương khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sỹ anh hùng -13 người con đã làm nên một huyền thoại Truông Bồn, đó là các liệt sỹ: Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Phan Thị Dung, Hà Thị Đang, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa, Nguyễn Thị Hoài, Vũ Thị Hiên, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Văn và Đinh Thị Vinh.

* Mãi khắc ghi những chiến công
Cuộc sống mới đã hồi sinh trên mảnh đất dày đặc đạn bom năm xưa. Ngày nay, Truông Bồn tràn đầy sức sống và là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả; là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Lịch sử một Truông Bồn huyền thoại luôn vẹn nguyên và tiếp thêm sức mạnh cho hiện tại và tương lai khi các thế hệ hôm nay luôn nhớ về sự hy sinh của thế hệ đi trước bằng tất cả tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Truông Bồn đã, đang và sẽ mãi là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Thể hiện lòng biết ơn và tri ân vô hạn với các anh hùng, chiến sỹ, liệt sỹ Truông Bồn, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã tổ chức xây dựng và năm 1994 khánh thành "Nhà bia mộ", quy tập hài cốt các liệt sỹ để chăm sóc và tưởng niệm. Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sỹ thanh niên xung phong Truông Bồn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Các thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ lãng quên một Truông Bồn đã trở thành huyền thoại. Nơi quần thể di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, những dòng người muôn phương vẫn về đây để nhớ về những năm tháng lịch sử bi hùng của dân tộc, để sống có trách nhiệm hơn với hiện tại và tương lai./.
                                                                                                                                                              Lan Khanh