Hà Nội (TTXVN 16/6/2023)

Đóng góp vào sự thành công của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, luôn có vai trò quan trọng của báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng.

* “Binh chủng” đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là chiến sĩ cách mạng kiên cường vừa là nhà báo tiên phong mẫu mực, có công lao to lớn trong việc khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Làm báo đối với Người chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Ngày 9/6/1949, trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo” (1). Ngày 8/9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (2) và “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (3).
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng.

Đại hội VI của Đảng, mở ra thời kỳ đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trong xây dựng Đảng, Tổng Bí thư  Nguyễn Văn Linh đặc biệt chú ý phương châm được thông qua tại Đại hội VI: Hãy dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thực hiện đổi mới phải gắn liền với việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tháo gỡ ách tắc phải đi đôi với kiên quyết loại trừ những kẻ đã từng lợi dụng cơ chế bảo thủ, quan liêu để kiếm lợi, làm rối loạn kỷ cương phép nước. Để chống tiêu cực, đồng chí Nguyễn Văn Linh nghĩ về binh chủng đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng là báo chí. Chọn “binh chủng” báo chí để chống tiêu cực. Tổng Bí thư đã đi tiên phong trên mặt trận này. Ngày 25/5/1987, Báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít “Những việc cần làm ngay”, của tác giả N.V.L. Theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, đã khai thông mạch chảy của báo chí nước nhà trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “thế lực nội xâm”, giúp cho quần chúng biết nghị quyết của Đảng, hiểu nghị quyết của Đảng, đấu tranh chống những kẻ làm không đúng, gây oan ức trong nhân dân.

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định, vai trò của báo chí được nhấn mạnh:  Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền.

* Làm tốt vai trò “binh chủng” đặc biệt

98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng và nhân dân ta. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí đã trở thành một “binh chủng” quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận… Trong thời kỳ đổi mới, hơn 35 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thực hiện tốt vai trò trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm hàng đầu, tạo ra niềm tin lớn lao của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Báo chí tích cực đưa tin về những chính sách đúng, có tác động mạnh mẽ, nâng cao đời sống nhân dân; phản ảnh ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân trong suốt quá trình xây dựng, ban hành chính sách, giúp Đảng và Nhà nước có thêm cơ sở dữ liệu, có cái nhìn toàn diện, đa chiều, sâu sát hơn để xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống, với lợi ích chính đáng của nhân dân.

Thông qua báo chí, nhân dân cũng tìm thấy những “thông tin phản hồi” để biết Đảng tiếp nhận những kiến nghị của mình đến đâu và sửa chữa như thế nào, nhờ vậy mà niềm tin của nhân dân được củng cố và tăng cường. Cũng qua đó, báo chí đã góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, tăng cường công khai, minh bạch quá trình xây dựng và thực thi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Thực tế đã chứng minh, thông tin báo chí phản ánh về những mô hình khoán hộ gia đình trong sản xuất trong nông nghiệp, cơ chế khoán sản phẩm trong công nghiệp, những bài báo phản ánh thực tiễn cuộc sống sôi động, vươn lên thoát nghèo… là một kênh thông tin quan trọng giúp Đảng ta thay đổi tư duy, đề xướng công cuộc đổi mới đất nước. Nhiều quyết sách của đất nước được ban hành, phù hợp với quy luật phát triển, đồng thời thể hiện được vai trò của báo chí là “cầu nối” tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo thêm niềm tin trong công chúng xã hội.

Các cơ quan báo chí cũng tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; đồng thời phát huy tốt vai trò trong tham gia giám sát, phát hiện và phê phán những biểu hiện tiêu cực, phản văn hóa, đạo đức trong Đảng của cán bộ, đảng viên. Các tác phẩm báo chí xây dựng Đảng, ngoài phục vụ công tác tuyên truyền, còn hướng dẫn, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, phản ánh kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại địa phương, đơn vị; phát hiện cách làm hay, mô hình tốt để biểu dương, đấu tranh với những thiếu sót, khuyết điểm trong xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, giúp mỗi cấp uỷ, tổ chức Đảng thực hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo, để mỗi cán bộ, đảng viên soi vào đó mà phấn đấu, gìn giữ bản lĩnh người cộng sản, làm tấm gương sáng trong công tác và đời thường.

Báo chí cũng luôn là địa chỉ cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc phát hiện, giám sát, đưa ra ánh sáng hàng nghìn vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Hàng loạt vụ án tham nhũng điển hình được báo chí phát hiện và bám sát để đưa tin kịp thời. Thông qua việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng với các vụ việc được đưa ra xét xử, báo chí tạo được lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Đây là kết quả có ý nghĩa vô lớn đối với sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước. Công tác thông tin, tuyên truyền đã, đang tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thông qua báo chí, hàng nghìn tấm gương quần chúng nhân dân, đảng viên đi đầu trong phòng, chống tham nhũng đã được phát hiện, nêu gương, được Đảng, Nhà nước khen thưởng.

Viết về xây dựng Đảng là vấn đề không dễ. Để có được những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, sức thuyết phục cao là sự dấn thân không quản ngại hiểm nguy của nhiều nhà báo; là sự lăn lộn vào thực tiễn để tìm tòi phát hiện những vấn đề bức thiết cuộc sống đang đặt ra; là sự dũng cảm, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; là nỗ lực vượt qua những áp lực, khó khăn đến từ nhiều phía... Nhưng thực tế cho thấy càng trong khó khăn thử thách, những người làm báo càng thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, luôn tìm tòi sáng tạo, nâng cao sức thuyết phục của tác phẩm báo chí về đề tài xây dựng Đảng.

Phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 13/6/2023) nhân 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường. Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hy sinh và nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước". Đây là truyền thống vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam, cần tiếp tục giữ gìn và phát huy./.

                                                                                                     Phương Dung


1): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 102
(2), (3): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.13, tr.463, 466