Văn hóa soi đường

      Nhân vật liên quan

      • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

 

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Văn hóa Việt Nam là tổng thể những những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S sáng tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử. Những giá trị ấy kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo thành những truyền thống, những phong tục, tập quán, những ứng xử... làm nên bản sắc của dân tộc.

Những giá trị văn hóa ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, cùng chung tay dựng xây đất nước, cùng ra sức bảo vệ non sông, cùng chia sẻ những nỗi đau trong thiên tai, địch họa, cùng khát vọng về một cơ đồ tươi sáng “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Đảng ta từ rất sớm đã luôn coi văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng cần có sự quan tâm đầy đủ và đồng bộ để tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong quá trình phát triển. Ngay từ năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa là một trong ba mặt trận chính trị-kinh tế-văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Văn hóa có mặt trong nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày nay. Sự đồng hành của văn hóa, sự hiện diện của văn hóa trong các bình diện của đời sống xã hội đã tạo thành sức mạnh nội sinh, vừa là nguồn lực, vừa là thành quả của phát triển.