Đồng chí Võ Nhân Lý

Đồng chí Võ Nhân Lý, tên thật là Ngô Xuân Lựu, sinh năm 1925 tại xã Bình Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Lên 13 tuổi, lúc còn là một thiếu niên, đồng chí đã giác ngộ cách mạng và trở thành liên lạc viên của một cơ quan Thành ủy Hải Phòng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, như: Ủy viên Ban Chỉ huy đệ tứ chiến khu Đông Triều; Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; Thường vụ quân khu ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương (1946); Chánh văn phòng xứ ủy Bắc bộ;  Thường vụ Liên tỉnh ủy Hồng Quảng; Trưởng ban tuyên truyền Liên khu ủy Việt Bắc; Phó Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã (1957); Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng (1965); Khu ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Ban cán sự Liên Quận 6; Thành ủy viên Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Ban Tuyên huấn Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập báo Sài gòn Giải phóng (1975).

Đồng chí Võ Nhân Lý tại trường Báo chí miền Nam

Trên cương vị là Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đồng chí đã có mặt tại chiến trường miền Nam trong thời kỳ ác liệt nhất. Là người đứng đầu Thông tấn xã Giải phóng, với các bút danh Vũ Linh, Bích Nhàn... đồng chí đã có nhiều bài bình luận, xã luận sắc sảo. Năm 1965, khi cơ quan Thông tấn xã Giải phóng đang hành quân dưới trời mưa tầm tã thì nhận được bức điện khẩn thông báo việc chính quyền Mỹ-ngụy sẽ hành quyết sinh viên Lê Hồng Tư tại Sài Gòn. Ngay lập tức, đồng chí đã lệnh dừng hành quân và viết "Bản Tuyên bố của Thông tấn xã Giải phóng", cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. "Bản Tuyên bố của Thông tấn xã Giải phóng" lập tức được Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, phát đi phát lại nhiều lần, gây xúc động lòng người, tạo dư luận phẫn nộ trong nước và thế giới, góp phần đình chỉ bản án tử hình sinh viên Lê Hồng Tư.

Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất...