Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Nông Quốc Chấn (18/11/1923 – 18/11/2023), nhiều hoạt động tôn vinh ông sẽ được tổ chức tại Bắc Kạn. Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của PGS-TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn xuất thân trong một gia đình trí thức ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Trưởng thành từ một thầy giáo dạy học dưới chân Đèo Gió, nhà thơ Tày đã tự nguyện làm "con người nhỏ hòa vào dòng thác lớn", dấn thân vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Là "cánh chim đầu đàn" trong nền văn học nghệ thuật mới của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng, nền văn học Việt Nam nói chung, đóng góp của nhà thơ Nông Quốc Chấn đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng: Bài thơ Dọn về làng nhận Giải thưởng tại Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới Berlin (1951); Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1954); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1958)... và vinh dự nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II (2000).
Nhà thơ Nông Quốc Chấn (đứng) đọc thơ trong lần đến thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thời sinh viên, tôi đặc biệt ấn tượng với hai câu thơ đầu trong bài thơ Khâu áo (Nhặp slửa) của nhà thơ Nông Quốc Chấn:
Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc
Em biết mùa Thu đã hết rồi...
Câu thơ nằm lòng theo tôi suốt chặng đường dài từ lúc là sinh viên cho đến hôm nay. Tôi nhớ ngày ấy người bạn dân tộc Tày đã đọc cho tôi cả bài thơ dài bằng tiếng Tày, dạy tôi cách phát âm hai chữ Phja Bjoóc dễ tới vài chục lần. Rồi giải thích cặn kẽ cái tên ấy nghĩa là "núi Hoa", hay trước ngày Tổng khởi nghĩa còn có tên gọi là "núi Cứu quốc". Đây một quả núi cao của tỉnh Bắc Kạn, là một trong những căn cứ địa của cách mạng và kháng chiến ở Việt Bắc.
Chân dung nhà thơ Nông Quốc Chấn
Mỗi khi nhớ đến ông, câu thơ "Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc" dẫu cất sâu trong tâm thức cứ chợt ùa về.
Một điều dễ nhận thấy, hầu hết trong những sáng tác của ông, bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Bắc đã được thể hiện một cách sinh động, chân thực, trong đó nổi bật đặc trưng văn hóa Tày mà Nông Quốc Chấn trước hết là một đại diện tiêu biểu.
Trong suốt cuộc đời hoạt động văn hoá, nghệ thuật của mình, ông luôn luôn nhấn mạnh đến việc thể hiện, ngợi ca những vẻ đẹp của nền văn hoá dân tộc - mà ở đây cụ thể là vẻ đẹp của nền văn hoá Tày Việt Bắc.
Câu thơ "Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa Thu đã hết rồi" đã mang đến một bức tranh thiên nhiên miền núi trong thời điểm giao mùa từ mùa Thu trong mát sang mùa Đông lạnh giá với sự nuối tiếc, lo toan rất gợi và rất cảm. Không ngôn từ nào có thể thay được từ "hết" trong câu "Em biết mùa Thu đã hết rồi". Lập trình câu thơ chính xác đến từng xăngtimet (cm). Câu thơ đầy ám ảnh ấy cứ khiến nhà văn Tô Hoài hoang hoải trong xúc cảm nghe gió đưa thiên nhiên qua rừng núi ấy với "hằng hà kỷ niệm trở lại". Mới thấy bức tranh thiên nhiên ấy không dễ hiểu nếu như không được sống với nó.
Chủ đề 7, Tài liệu giáo dục địa phương lớp 8, tỉnh Bắc Kạn do tác giả bài báo viết
Nhà thơ Hoàng Quảng Uyên rất có lý khi nói: "Cũng cần nói ngay rằng, không phải ai cũng cảm được câu thơ hay của Nông Quốc Chấn. Chỉ có những người đã sống ở miền núi, tai từng nghe tiếng gió thổi vi vút qua triền núi, mắt từng nhìn lá rừng rụng cuối Thu, ngồi bên bếp lửa trong những đêm sương muối buốt thì mới cảm được cái thời khắc chuyển mùa "gió thổi qua Phja Bjoóc" ấy.
Tôi ấn tượng với bức tranh thiên nhiên trong thơ ông. Đó là một thiên nhiên miền núi hùng vĩ mà trữ tình; dữ dội mà hiền hòa; xa xôi, bí ẩn mà gần gũi thân thuộc; hoang dã mà tráng lệ; khốc liệt mà duyên dáng, e lệ…
Một Việt Bắc đẹp giàu khi hoà bình lập lại, đón cuộc sống mới với cảm xúc say nồng:
Em ơi! Việt Bắc đẹp giàu
Núi rừng trùng điệp muôn màu cỏ hoa
Trên Phia Dạ mây mù buông chướng
Dưới đất kia: sắt, quặng, bạc, vàng
Đi thuyền Ba Bể dọc ngang
Xem người đánh cá, xem nàng hái ngô
Hoa sơn hoa nở bốn mùa
Ve kêu chim hót ước mơ phặc phiền
(Tiếng ca người Việt Bắc)
Nhà thơ Nông Quốc Chấn (thứ hai trái sang) tại thị xã Bắc Kạn năm 1949. Ảnh TL
Bài thơ Dọn về làng - Giải thưởng ở Ðại hội Thanh niên, sinh viên thế giới Berlin (1951) là một trong những bài thơ đầu tay của Nông Quốc Chấn đã được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông từ rất sớm. Bài mang tâm cảm đặc biệt về chiến thắng Cao Lạng:
Mé! Cao - Lạng hoàn toàn giải phóng Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn Vệ quốc quân chiếm lại các đồn Người đông như kiến, súng dày như củi
Người dân hân hoan khi quê hương giải phóng:
Hôm nay Cao Bắc Lạng cười vang Dọn lán, rời rừng, người xuống làng Người nói cỏ lay trong ruộng rậm Con cày mẹ phát ruộng ta quang
Ngay sau khi bài thơ Dọn về làng được đưa vào chương trình Trung học phổ thông, không ít giáo viên dạy văn, trong đó có tôi đã từng lúng túng khi giảng bài thơ này. Ngày đó, tài liệu tham khảo ít, nên chúng tôi rất thiếu tư liệu về mảng văn hóa dân tộc thiểu số. Tôi giảng câu thơ "Mấy năm qua quên Tết tháng Giêng, quên rằm tháng Bảy" theo cách nghĩ thông thường của dân tộc Kinh "Tết cả năm không bằng Rằm tháng Bảy", nghĩa là một cái tết lớn, tết quan trọng nhất trong năm. Tôi cũng đã phân tích sâu về tâm trạng của bà con dẫu đang sống trong niềm vui chiến thắng "Cao Lạng hoàn toàn giải phóng", hồ hởi "Dọn lán, rời rừng, người xuống làng", nhưng vẫn không quên tội ác của thực dân Pháp gieo bao đau thương khiến bà con phải "tạm quên" thưởng thức những tục lệ cổ truyền của dân tộc mình. Câu thơ bình thường mà ẩn sâu nỗi hờn căm quân xâm lược. Mới thấy cái "Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy" (chữ của Y Phương trong bài thơ Mời anh lên Cao Bằng) đã ăn sâu trong tâm thức bà con Việt Bắc đến thế nào.
Nhân nữ thi sĩ Pháp Mirelle Gansel đến thăm Cao Bằng, được văn nghệ sĩ Cao Bằng tặng chiếc đàn tính ba dây, Nông Quốc Chấn đã viết bài thơ Đàn ba dây tặng bà.
Cây đàn tính vốn có mười ba dây
Vì tiếng nó vang to, vang xa, vua ra lệnh cắt đi gần hết
Nhưng chẳng vua nào cắt nổi âm thanh dân tộc
Đàn ba dây vẫn thánh thót giữa cuộc đời
(Đàn ba dây)
Là người con dân tộc Tày, ông lớn lên trong "khí quyển" của những câu tục ngữ, thành ngữ Tày đặc sắc, ý tứ thâm sâu, có tính triết lí, tính giáo dục cao, nhưng lại giản dị, dễ hiểu. Nhà thơ Nông Quốc Chấn rất có ý thức trong việc vận dụng các câu tục ngữ, thành ngữ đó vào thơ của mình. Điều đó khiến thơ ông vừa dễ hiểu lại vừa sâu sa, vừa cổ điển lại vừa mang màu sắc hiện đại (Dẫn theo Nghiên cứu lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - Diện mạo và đặc điểm - Trần Thị Việt Trung (chủ biên), NXB Đại học Thái Nguyên, 2013).
"Câu thơ "Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa Thu đã hết rồi" đã mang đến một bức tranh thiên nhiên miền núi trong thời điểm giao mùa từ mùa Thu trong mát sang mùa Đông lạnh giá với sự nuối tiếc, lo toan rất gợi và rất cảm" - nhà văn Lê Thị Bích Hồng.
Vài nét về nhà thơ Nông Quốc Chấn
Nông Quốc Chấn, nhà thơ dân tộc Tày, thuở nhỏ có tên là Nông Văn Đăm, tên khai sinh là Nông Văn Quỳnh, tên bí mật khi tham gia cách mạng từ 1941-1944 là Quốc Bảo và còn có các tên bút danh, như: Sông Cầu, Xiêng Xa Lỳ. Ông sinh ngày 18/11/1923 tại bản Nà Cọt, xã Cốc Đán (nay là huyện Ngân Sơn), tỉnh Bắc Kạn và mất ngày 04/02/2002, hưởng thọ 79 tuổi.
Trong cuộc đời cầm bút, Nông Quốc Chấn đã đóng góp nhiều tác phẩm văn học: Thơ: Tiếng ca người Việt Bắc (1959), Chim én tìm tổ (1960), Người Núi Hoa (1961), Chiếc đàn tính và tiếng hát của người nghệ sĩ mù (1966), Đèo Gió (1968), Bước chân Pác Bó (1971), Rừng trúc (1981), Chợ Bắc Hà (1982), Suối và biển (1984)...
Lý luận phê bình: Một vườn hoa nhiều hương sắc (Tiểu luận, 1977), Đường ta đi (Tiểu luận, 1970)…