Ngày 24/2/2025 đánh dấu tròn 3 năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Trong bối cảnh xung đột chưa có điểm dừng, cánh cửa hy vọng sớm chấm dứt đổ máu, khôi phục hoà bình dường như đã được hé mở với sự khởi đầu của cuộc đàm phán Nga-Mỹ.

[Trong ảnh: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (thứ 2, trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN]

Rạng sáng ngày 24/2/2022, quân đội Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Xung đột nổ ra với nhiều diễn biến bất ngờ đã biến thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài với tổn thất nặng nề về mọi mặt cho cả hai bên.

Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), tính đến đầu năm 2025, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn hơn 11.700 người, hơn 24.600 người khác bị thương, gần 6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, cùng hàng trăm nghìn binh sĩ Nga, Ukraine tử trận hoặc bị thương trong xung đột. Về cơ sở hạ tầng, thiệt hại của Ukraine ước tính lên tới 150 tỷ USD. Nước Nga cũng đã phải gánh chịu những thiệt hại rất to lớn về các mặt, nhất là khi bị Mỹ và đồng minh không ngừng áp đặt hàng nghìn lệnh cấm vận và trừng phạt kinh tế nghiệt ngã nhất. Không chỉ vậy, chiến dịch quân sự này còn tạo ra những hệ lụy sâu rộng về nhiều mặt trên phạm vi toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, hậu quả của cuộc xung đột phải mất nhiều thập niên mới có thể khắc phục.

Mặc dù vậy, cánh cửa hòa bình dường như đã được mở ra khi các bên bắt đầu nghĩ tới "kịch bản" chấm dứt giao tranh bằng giải pháp ngoại giao trên bàn đàm phán. Sau khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Putin, được mô tả là "hiệu quả cao", ngày 18/2/2025, phái đoàn Mỹ và Nga đã có cuộc gặp ở Saudi Arabia để thảo luận về vấn đề Ukraine và đi đến nhiều thống nhất.

Cuộc đàm phán đã mở ra hy vọng về nỗ lực tái lập đối thoại và tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua ở Ukraine cũng như các vấn đề khác vốn có thể chi phối bàn cờ địa chính trị thế giới.