Cách đây 75 năm, ngày 28/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cốt cách cao đẹp của một nhà chính trị có tầm cao tư duy, văn võ song toàn và trái tim nhân văn cao cả. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã nói “Chính Bác Hồ đã chọn con đường binh nghiệp cho tôi. Người đã tin tưởng giao cho tôi thành lập quân đội”.

* Sắc lệnh lịch sử
Sau chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn với Trung ương thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội và tặng thưởng huân công cho những người lập được chiến công. Chủ trương này của Bác được toàn thể thành viên Hội đồng Chính phủ nhất trí, trong cuộc họp ngày 19/1/1948.
Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Theo đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp được trao quân hàm Đại tướng; đồng chí Nguyễn Bình được phong quân hàm Trung tướng; các đồng chí: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong quân hàm Thiếu tướng.
Ngày 28/5/1948, tại xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Người trực tiếp trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp Sắc lệnh số 110-SL của Chủ tịch Chính phủ (1) và nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”.
Khi sự kiện này được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác: việc phong tướng này được tiến hành dựa trên tiêu chuẩn nào? Bác trả lời giản dị: “Đánh thắng đại tá thì phong đại tá. Đánh thắng thiếu tướng, phong thiếu tướng. Đánh thắng trung tướng, phong trung tướng. Thắng đại tướng, phong đại tướng!”.
Có thể thấy, việc chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm người phụ trách quân sự của Đảng là một trong những “quyết định sáng suốt nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói “Chính Bác Hồ đã chọn con đường binh nghiệp cho tôi. Người đã tin tưởng giao cho tôi thành lập quân đội”. Bởi từ rất sớm, Bác đã nhìn thấy cốt cách cao đẹp của một con người yêu nước nồng nàn, một nhà báo, nhà giáo và sau này là một nhà chính trị có tầm cao tư duy, văn võ song toàn và trái tim nhân văn cao cả.
Ngày 22/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thư, Người nêu rõ: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta…” (2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đã lựa chọn đúng người, giao đúng việc và hơn nữa, lại rèn luyện công phu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất với Bác và trở thành một nhà quân sự tài ba.

* Người “Anh cả” của quân đội, vị tướng của lòng dân
Là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại xuất thân từ một nhà giáo dạy sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “trọng dân”, “nước lấy dân làm gốc” của các bậc tiền nhân. Yếu tố nhân dân luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của ông. Ngay trong buổi đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã trực tiếp soạn thảo “Mười lời thề” cho đội, trong đó nhiều nội dung đều đề cập đến quan hệ quân-dân.
Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã có công lớn cùng tập thể Quân ủy Trung ương đưa quan hệ quân-dân trở thành một trong những nét đẹp truyền thống quý báu của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như trong việc tạo dựng hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; xác định nhiệm vụ trọng tâm của quân đội “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”… được Đại tướng áp dụng một cách nhuần nhuyễn. Từ đó, xây dựng một Quân đội nhân dân Việt Nam vô địch, giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Bên cạnh đó, Đại tướng luôn ghi nhớ, noi gương và thực hiện lời căn dặn của Bác là làm cách mạng là phải "dĩ công vi thượng", tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết; đồng thời, ông luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức. Điển hình, tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, tuy là người chỉ huy cao nhất được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao toàn quyền quyết định các vấn đề, nhưng trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng, bao giờ ông cũng đưa ra thảo luận ở tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, tham khảo ý kiến của Đoàn cố vấn, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Và quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của ông không chỉ thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, mà còn thể hiện việc quán triệt sâu sắc, chấp hành tuyệt đối ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”.
Ông cũng là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực. Với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, ông như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, Đại tướng đều viết thư động viên, nhắc nhở và thăm hỏi tình hình sức khỏe của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn tại chiến trường, Đại tướng vẫn thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội…
Chiến thắng là cái đích của người cầm quân, song với ông không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá, mà chiến thắng đó phải luôn đi kèm với việc giảm đến mức thấp nhất hy sinh xương máu của bộ đội. Trong tư tưởng của ông, bảo vệ lực lượng, bảo vệ sinh mạng người lính của mình là mối quan tâm thường trực nhất, vì rằng "một chiến thắng lớn nhất là chiến thắng có được với số người phải hy sinh nhỏ nhất". GS.NGND, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo ca ngợi: “…Tôi biết rõ Tổng Tư lệnh đã nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng. Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn”.
Có mặt ở Điện Biên Phủ trong những tháng ngày gian khổ đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị tổng tư lệnh, đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà khi viết thư gửi chiến sĩ với những lời rất thân mật như anh em, quả là một điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!”. Còn Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, từng nói: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”. Xúc động trước tình cảm của người chỉ huy cao nhất của quân đội với các liệt sĩ hy sinh trên đỉnh đèo Phulêcnhích, trung tướng Đổng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 559 đã viết trong hồi ký: “những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm, chúng tôi không thể nào quên được”.
Không chỉ yêu thương cán bộ, chiến sĩ quân ta, Đại tướng võ nguyên Giáp còn là người rất coi trọng nhân nghĩa, khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận mở màn chiến dịch, tiến công cụm cứ điểm Him Lam của Đại đoàn 312, thương vong của địch rất lớn. Theo đề nghị của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho ông Mạc Ninh thảo ngay một bức thư chuyển cho Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ đề nghị cho người ra Him Lam nhận tử thương. Ngay sau ngày chiến thắng, trên cánh đồng Mường Thanh và dọc theo bờ sông Nậm Rốm, Đại tướng cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đã cho dựng hàng chục chiếc lều từ vải dù để cứu chữa cho tù binh, hàng binh bị thương… Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi... đều dành cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là “một thống soái vĩ đại”, “Một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế.
Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại”, nhà báo, nhà sử học Bernard Fall đã đánh giá: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”.
Và đúng như nhà sử học người Anh Peter Macdonald đã viết, “ngày 25/8/1911, ở làng An Xá (tỉnh Quảng Bình), gần vĩ tuyến 17, đã sinh ra một con người sẽ là một trong những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử. Người ấy sẽ xuất hiện trước toàn thế giới như vị tướng của một quân đội sơ khai nhưng đã chiến thắng hai cường quốc phương Tây, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Và chúng ta mãi mãi tự hào về vị Đại tướng kính yêu của nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự kiệt xuất của nhân loại, vị tướng của lòng dân. Một huyền thoại của huyền thoại./.

Hoàng Yến (tổng hợp)


(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật HN 2011, tập 5, trang 677
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật HN 2011, tập 6, trang 264.