Từ giữa năm 1950, được Mĩ viện trợ, Pháp đưa thêm quân sang Đông Dương ra sức bắt lính xây dựng ngụy quân nhằm thực hiện chủ trương “bình định gấp rút, phản công quyết liệt”, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, địch mở nhiều cuộc càn quét lớn vào các vùng giáp ranh, vùng tự do của ta xây dựng hàng loạt tháp canh để củng cố các tuyến phòng thủ, ráo riết thực hiện kế hoạch “chiêu an, bình định” nhằm đánh phá cơ sở Cách mạng, khống chế, kìm kẹp nhân dân vùng tạm chiếm.

Trước tình hình trên, tháng 8.1950, Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở chiến dịch, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, bảo vệ dân gặt lúa, hỗ trợ nhân dân đấu tranh chống địch bình định, chiêu an, dồn làng, giữ vững phong trào kháng chiến ở vùng tạm chiếm. Tư lệnh chiến dịch: Nguyễn Bá Phát, Chính ủy: Nguyễn Quyết. Phối hợp với chiến dịch tiến công quân sự của liên khu, tháng 8.1950, Tỉnh ủy Quảng Nam ra nghị quyết mở một đợt đấu tranh chính trị rộng lớn, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trong toàn tỉnh. Địa bàn chiến dịch là vùng đồng bằng giáp ranh, làng mạc, đồng ruộng xen kẽ với những cánh rừng, trảng trống, có nhiều sông ngòi chia cắt, có quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Việt chạy qua. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Trung đoàn chủ lực 108 Liên khu; Tiểu đoàn 29 tỉnh Quảng Nam cùng lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn chiến dịch.

Với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta trên cơ sở lực lượng hiện có, Bộ chỉ huy Chiến dịch xác định phương châm: không tập trung đánh lớn mà phân tán hoạt động; tổ chức một bộ phận chủ lực đánh cứ điểm nhỏ, còn lại tập trung đánh quân tiếp viện; dân quân du kích hoạt động phá hoại, quấy rối, vũ trang tuyên truyền. Chiến dịch diễn ra 2 đợt.

Đợt 1 (5.8-8.9), nắm vững quy luật của địch hàng ngày thường hành quân sục sạo từ Xuân Đài lên Bảo An, Đại đội 7 (Tiểu đoàn 29) cùng Đại đội 61 huyện Điện Bàn tổ chức phục kích ở khu vực đình Bảo An (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn). 9 giờ ngày 5.8, một đại đội địch tiến đến Bảo An, lọt vào trận địa phục kích; ta đồng loạt nổ súng, nhanh chóng chia cắt, truy đuổi tiêu diệt từng nhóm địch; sau khoảng một giờ chiến đấu, làm chủ trận địa, diệt 2 trung đội (phần lớn là lính Âu - Phi), thu một số vũ khí. Ngày 8.8, Tiểu đoàn 29 tiếp tục tổ chức phục kích trên 2 tuyến đường: từ Giao Thuỷ đi Túy La do Đại đội 7 đảm nhiệm; từ Ái Nghĩa đi Trường Giảng (Điện Hồng) do các đại đội 9,12 phụ trách; Đại đội 8 làm lực lượng cơ động đứng chân ở làng Bình Yên. Do địa hình phức tạp và có mưa lớn nên khi địch hành quân từ Giao Thuỷ xuống Tuý La, qua trận địa phục kích của Đại đội 7 ta không phát hiện được. Lúc địch quay về, qua làng Bình Yên, Đại đội 8 bố trí sẵn ở đây đã kịp thời chặn đánh, diệt một trung đội địch, bắt 4 quân Pháp.

Phối hợp với Tiểu đoàn 29, các đại đội địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Hoà Vang, Hội An cùng dân quân du kích áp sát đồn địch, bắn tỉa, quấy rối, đặt mìn, canh gác chống địch cướp lúa của dân; tổ chức các đội vũ trang công tác tiến sâu vào vùng xung yếu diệt tề, trừ gian, xây dựng cơ sở, vận động nhân dân phá kế hoạch chiêu an, dồn dân của địch. Sau hai trận phục kích thắng lợi, Tiểu đoàn 29 được lệnh phân tán xuống 4 huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hoà Vang hỗ trợ lực lượng vũ trang địa phương đánh địch, bảo vệ dân gặt lúa. Ngày 1.9, ở Duy Xuyên, Đại đội 82 cùng Đại đội 17, huyện Tam Kì tổ chức phục kích trên đoạn quốc lộ 1, từ Cống Ba đi Nam Phước, loại khỏi vòng chiến đấu 1 trung đội địch. Tại Đại Lộc, Đại đội 9 cùng Đại đội 83 huyện Đại Lộc diệt 3 chốt nhỏ ở Đại Nghĩa; phục kích diệt 17 địch hành quân từ Ái Nghĩa đi Trường Giảng. Tại Điện Bàn, Đại đội 8 quét sạch tề điệp ở các xã Điện Phong, Điện Quang, Điện Hồng. Cùng thời gian này, Trung đoàn 108 (gồm 2 tiểu đoàn 79, 19) đang hoạt động ở Quảng Ngãi, được lệnh hành quân ra Quảng Nam tham gia đợt 2 chiến dịch.
Đợt 2 (9.9-4.11), ngày 9.9 Trung đoàn 108 tổ chức một bộ phận đánh tháp canh Tú Hải nhưng không thành công nên không thực hiện được kế hoạch đánh viện. Trung đoàn chuyển sang phân tán đánh nhỏ tiêu hao, kiềm chế địch, cùng các lực lượng vũ trang địa phương bảo vệ dân thu hoạch mùa. Tiểu đoàn 19 hoạt động ở La Nghi, Gò Nổi, diệt 1 trung đội địch đi tuần tiễu trên đường La Nghi. Phối hợp với hoạt động của Trung đoàn 108, các lực lượng vũ trang địa phương phân tán, đi sâu vào vùng địch tạm chiếm tiến hành vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân phá kế hoạch chiêu an, dồn dân của địch. Được sự hỗ trợ của bộ đội địa phương, ở Trường Định, Nam Định, Hường Phước, dân bỏ về làng cũ, tham gia du kích bảo vệ làng. Ở Điện Bàn, đại đội địa phương huyện xây dựng cơ sở ở Điện Phong, tạo thế đứng chân ở các xã Điện Quang, Điện Hồng; phối hợp với du kích xã diệt tề, trừ gian giải phóng nhân dân khỏi ách kìm kẹp của địch; đột nhập thị trấn Vĩnh Điện diệt và bắt hơn 30 tề điệp. Tại Đại Lộc, đêm 18.10, bộ đội địa phương huyện được cơ sở bên trong hỗ trợ tập kích diệt 3 tháp canh. Tại Hội An, lực lượng vũ trang địa phương nhiều lần đột nhập thị xã, diệt đồn hương vệ Cẩm Phô, phát động nhân dân Ngọc Thành, Trường Lệ đấu tranh không cho địch lập tề; vận động nhân dân ngoại thành vào thị xã đấu tranh, buộc địch phải thả 42 người dân bị địch bắt và trả lại lúa cướp của dân. Tại Đà Nẵng, bộ đội thành kết hợp với lực lượng bên trong tập kích toà thị chính giữa ban ngày và rút lui an toàn.

Trước hoạt động rộng khắp của quân và dân ta ở Quảng Nam, ngày 4.11.1950, Pháp tập trung 1.500 quân cơ động cùng với lực lượng chiếm đóng ở các cứ điểm Bình Long, Phong Thử, Ngũ Giáp, Quá Giáng, được không quân, pháo binh chi viện, mở cuộc càn quét lớn vào Điện Hoà nhằm bao vây, tiêu diệt Trung đoàn 108 đang đóng quân ở đây. Địch tổ chức ba cánh quân: một cánh từ Vĩnh Điện theo đường 1 tiến ra Gò Phật rồi thọc vào Điện Hoà; một cánh từ Quá Giáng đánh lên; một cánh từ Phong Thử theo đường sắt tiến ra cầu Bàu Sấu đánh vào phía sau Điện Hoà. Các tiểu đoàn 79, 19 (Trung đoàn 108) cùng bộ đội địa phương và dân quân, du kích dựa vào thế trận làng xã chiến đấu, đánh lui hàng chục đợt tiến công, gây cho địch nhiều thiệt hại. Nhân dân Điện Hoà theo sát bộ đội, dẫn đường tiếp tế, chăm sóc cứu chữa thương binh; đốt rơm tạo khói nghi binh đánh lạc hướng máy bay địch. Cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài đến tối 4.11. Địch bị thiệt hại nặng phải chấm dứt cuộc càn.

Kết quả, ta diệt 600 địch, làm bị thương 300, bắt 20, thu hơn 40 súng các loại. Tuy kết quả đánh điểm diệt viện còn hạn chế, nhưng Chiến dịch Hoàng Diệu đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại một bước âm mưu “chiêu an, bình định” của địch, bảo vệ được mùa màng, góp phần thúc đẩy các hoạt động quân sự, chính trị trên địa bàn Liên khu 5, giữ vững phong trào chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, phối hợp kịp thời với chiến trường chính Bắc Bộ trong Chiến dịch Biên Giới (16.9-14.10.1950).

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)