Đầu năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, Tổng thống Mĩ Giônxơn quyết định chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân đội vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đồng thời sử dụng lực lượng không quân và hải quân mớ rộng chiến tranh ra miền Bắc. Sau khi thực hiện các kế hoạch 34A, Đêsôtô, Ôplan 37 để hoạt động trinh sát vùng trời, vùng biển và xác định các mục tiêu cần đánh phá, trong các ngày 1-3.8.1964, Quân đội Mĩ liên tiếp đưa tàu Mađôc và tàu Tơcnơ Gioi tiến sâu vào hải phận miền Bắc, tiến hành các hoạt động khiêu khích và dựng lên Sự kiện vịnh Bắc Bộ (8.1964), nhằm đánh lừa dư luận và gây áp lực buộc Quốc hội Mĩ thông qua “Nghị quyết vịnh Bắc Bộ” (7.8.1964), chính thức giao cho Tổng thống Giônxơn quyền sử dụng lực lượng quân sự tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trong đó có quyền mở các cuộc tiến công “trả đũa” bằng không quân và hải quân vào miền Bắc Việt Nam. Đồng thời với việc tuyên truyền lừa bịp về sự kiện vịnh Bắc Bộ. Ngày 5.8.1964, Mĩ tiến hành cuộc Hành quân Mũi tên xuyên (5.8.1964), huy động 64 lần chiếc máy bay (A-l, A-4, F-4, F-8) đánh phá hàng loạt các mục tiêu quân sự và dân sự ở một số vùng ven biển miền Bắc Việt Nam như cửa sông Gianh, Vinh, Bến Thuỷ, Lạch Trường (Thanh Hoá) và thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh). Nhưng cuộc tiến công đầu tiên này bị quân dân miền Bắc đánh trả, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt một phi công. Sau thất bại ngày 5.8.1964, Mĩ tiếp tục sử dụng không quân và hải quân bắn phá các mục tiêu từ sông Gianh trở vào nhằm đe doạ và thăm dò dư luận, đồng thời tích cực chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn ra miền Bắc, trong đó điều động 3-4 tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 với khoảng 350-400 máy bay chiến đấu các loại tới hoạt động ở khu vực Đông Nam Á; bổ sung 550 chiếc máy bay cho các căn cứ không quân ở miền Nam Việt  và Thái Lan...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì họp Quân ủy Trung ương bàn chủ trương chống chiến tranh phá hoại của Mĩ

 

Trước âm mưu và thủ đoạn mở rộng đánh phá miền Bắc của Mĩ, tháng 9.1964 Bộ Chính trị ra nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh giải phóng ở miền Nam; đồng thời từng bước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mĩ ở miền Bắc. Bộ Tư Lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân gấp rút xây dựng và điều chỉnh lại lực lượng phòng không bảo vệ các khu vực trọng yếu, trong đó đặc biệt chú trọng địa bàn Quân khu 4 và khu vực ven biển Ninh Bình, Thanh Hóa. Đến cuối năm 1964, hệ thống phòng không xây dựng được 12 trung đoàn và 2 tiểu đoàn độc lập pháo phòng không, trang bị các loại pháo từ 37 mm đến 100 mm và 5 trung đội súng máy phòng không 14,5 mm; 2 trung đoàn không quân (Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, Trung đoàn Không quân vận tải 919); lực lượng phòng không ở các đơn vị bộ binh, Quân chủng Hải quân; 3 trung đoàn rađa (22 đại đội) bố trí trên các địa bàn chiến lược của đất nước. Bên cạnh đó, công tác phòng không nhân dân cũng được triển khai bằng nhiều biện pháp như tổ chức hệ thống báo động phòng không; tổ chức các tổ đội dân quân tự vệ bắn máy bay tầm thấp; xây dựng hầm hào phòng không, sơ tán nhân dân và các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học... ra khỏi các khu vực trọng điểm; nhằm kịp thời đánh trả các cuộc tiến công đánh phá của máy bay Mĩ, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Chiến tranh diễn ra 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (7.2.1965-1.11.1968), chiến tranh phá hoại lần I. Ngày 7.2.1965, lấy cớ “trả đũa Việt cộng” tiến công trại lính Mĩ Hôlôuây ở Pleiku (Gia Lai), Mĩ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam bằng Chiến dịch Mũi lao lửa (7-11.2.1965). Theo kế hoạch chiến dịch, trong các ngày 7-11.2.1965, Mĩ sử dụng máy bay thuộc Hạm đội 7 cùng với lực lượng không quân quân đội Sài Gòn đánh phá đồng thời vào các mục tiêu quân sự và khu dân cư ở Quàng Binh, Vĩnh Linh, với cường độ xuất kích từ 60 đến 110 lần chiếc/ngày. Với tinh thần cành giác sẵn sàng chiến đấu cao, quân và dân các địa phương Quảng Bình, Vĩnh Linh đã kịp thời phòng chống và đánh trả quyết liệt, bắn rơi 4 máy bay, buộc Mĩ phải kết thúc chiến dịch mà không đạt được mục đích đề ra. Mặc dù thất bại, nhưng giới quân sự Mĩ cho rằng những hành động trả đũa bằng không quân như trên chưa đủ khà năng gây sức ép, buộc quân và dân ta ngừng tiến công ở miền Nam. Vì vậy, Mĩ chuyển sang triển khai Chiến dịch sấm rền (2.3.1965-31.10.1968), mở rộng leo thang đánh phá dần ra vĩ tuyến 19 và 20, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở kinh tế ở miền Bắc. Ngày 2.3.1965, mở màn chiến dịch, Mĩ huy động 160 lần chiếc máy bay ồ ạt tiến công căn cứ hải quân ở sông Gianh; tiếp đó, từ ngày 14 đến cuối tháng 3.1965, sử dụng hàng trăm lần chiếc máy bay mở rộng phạm vi đánh phá đến vĩ tuyến 19, nhằm vào các mục tiêu quân sự quan trọng như doanh trại Quân đội, đài rađa, các căn cứ hải quân, không quân, kho tàng và một số cơ sở kinh tế (Mỏ Crôm Cổ Định - Thanh Hoá, Nhà máy Điện Vinh...). Tuy nhiên, do không đạt được mục tiêu là khuất phục miền Bắc Việt Nam trong vòng vài ba tháng, Mĩ buộc phải chuyển mục đích chiến dịch từ chỗ “bẻ gãy ý chí miền Bắc Việt Nam” thành “cắt đứt luồng tiếp tế người và hàng hoá từ miền Bắc vào miền Nam”. Trên cơ sở đó, ngày 1.4.1965, Tổng thống Mĩ Giônxơn ra lệnh cho không quân Mĩ đánh phá hệ thống cầu cống, bến phà và nhiều mục tiêu quan trọng từ vĩ tuyến 20 trở vào.
Từ 1 đến 23.4.1965, lực lượng không quân Mĩ tập trung đánh phá các tuyến đường giao thông quan trọng (1, 7, 8, 12, 15...), phá huỷ và đánh hỏng hàng loạt cầu cống, trong đó có một số cầu lớn như Đò Lèn, Đồng Hới, cầu Cấm, Hoàng Mai, Khe Kiền, Cà Tang... Từ giữa năm 1965, đồng thời với việc đưa lực lượng lớn quân chiến đấu Mĩ vào chiến trường miền Nam thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mĩ tiếp tục tăng cường chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của quân và dân miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Lực lượng không quân Mĩ được lệnh mở rộng đánh phá ra ngoài vĩ tuyến 20, trừ khu vực các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực ở cách biên giới Việt - Trung khoảng 48 km. Dưới quyền chỉ huy của Bộ tư lệnh Quân độ Mĩ ở Thái Bình Dương, không quân Mĩ được huy động vào hoạt động đánh phá miền Bắc Việt Nam từ 300 máy bay chiến thuật lúc đầu, đã nhanh chóng tăng lên 800 chiếc, bao gồm lực lượng của Sư đoàn Không quân chiến thuật 2 (có căn cứ ở Thái Lan và miền Nam Việt Nam) và không quân của hải quân cất cánh từ các tàu sân bay thuộc Hạm đội 7; vũ khí, trang bị được sử dụng phổ biến gồm các loại máy bay phản lực chiến đấu (A-4D-C, F-8C, F-100D và F-105D), máy bay trinh sát hiện đại (U-2, RF-101), máy bay gây nhiễu điện tử EB-66; các loại bom phá, bom sát  thương thông thường, bom nổ chậm (M125-A1 hẹn giờ), bom bi, tên lửa Bunpơp (AGM-12B)... Đặc biệt đế đánh phá miền Bắc và ngăn chặn sự chi viện của quân và dân miền Bắc đối với cách mạng miền Nam và Lào, ngoài các mục tiêu quân sự, không quân Mĩ còn tập trung đánh phá hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông vận tài, kho tàng, bến cảng và các cơ sở kinh tế trọng yếu, thậm chí đánh phá một số bệnh viện, khu dân cư... Tháng 6.1965, không quân Mĩ tập trung đánh phá các khu vực Mộc Châu, Pa Háng, Sơn La, Điện Biên Phủ, tuyến quốc lộ 1 tại khu vực Ghềnh, Ninh Bình và thành phố Nam Định; tháng 7.1965, đánh phá tuyến Hà Nội - Lào Cai và đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai; từ ngày 23.8 đến đầu tháng 10.1965, chuyển trọng tâm sang đánh phá tuyến quốc lộ 1 và đường sắt Hà Bắc - Lạng Sơn, khu vực cầu Lường trên sông Hoá, Phố Vị, Bắc Giang và các ga đầu mối như Kép, Đồng Mỏ; trong các tháng 11-12.1965, đánh phá các tuyến quốc lộ 5 và 18, tiếp đó leo thang đánh phá ngoại vi thành phố Hải Phòng, ném bom Nhà máy Điện Uông Bí và những mục tiêu dân sự như Khu Điều dưỡng bệnh phong ở Quỳnh Lập (Nghệ An), Bệnh viện Lao Thanh Hoá...
Trước tinh hình Mĩ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cuối tháng 3.1965, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) xác định: cả nước có chiến tranh, quân và dân ta phải kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng không quân và hải quân của địch; chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến... Thực hiện nghị quyết của Trung ương, ta đã tập trung xây dựng nhiều đơn vị phòng không; tổ chức tiếp nhận tên lửa và pháo phòng không do Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN viện trợ; triển khai việc sơ tán nhân dân và các nhà máy, xí nghiệp về nơi an toàn... Đến cuối 1965, số trung đoàn pháo phòng không tăng 1,4 lần, số tiểu đoàn pháo phòng không tăng 3 lần; số trung đoàn không quân tăng 2 lần; số đài rađa của Binh chủng Rađa tăng 2 lần; tên lửa phòng không tổ chức hoàn chỉnh 2 trung đoàn đầu tiên. Lực lượng phòng không của dân quân tự vệ có trên 1.500 đơn vị chiến đấu, với hàng trăm nghìn súng máy và pháo phòng không cỡ nhỏ...
Trong vòng 3 tháng đầu năm 1965, quân dân ta đã bắn rơi gần 300 máy bay, bắn hỏng 7 tàu chiến, bắt nhiều phi công Mĩ, trong đó riêng 3 ngày mở đầu (7, 8 và 11.2), quân dân Vĩnh Linh, Quảng Bình và Nghệ An đã bắn rơi 22 máy bay. Ngày 15.3, dân quân Diễn Hùng (Diễn Châu, Nghệ An) bắn rơi 1 máy bay phản lực A-4D, mở đầu chiến công của dân quân dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay hiện đại của Mĩ. Đặc biệt, trong các trận chiến đấu bảo vệ các trạm rađa ở Đồng Hới (24.3) và Hà Tĩnh (26.3), lực lượng phòng không của ta tuy không nhiều, nhưng áp dụng chiến thuật “phục kích nhử địch” bắn rơi 7 máy bay, bào vệ an toàn cho các trận địa rađa phát sóng liên tục. Ngày 3.4, các biên đội không quân Việt Nam xuất kích trận đầu, đánh địch trên vùng trời Hàm Rồng, Đò Lèn, bắn rơi 2 máy bay F-8U (xem Trận chiến đấu không quân 3.4.1965). Trong đợt tác chiến phòng không từ 24-27.7.1965, lực lượng tên lửa phòng không, phối hợp với pháo phòng không bắn rơi 10 máy bay, trong đó tên lửa bắn rơi 5 chiếc, pháo phòng không bắn rơi 5 chiếc (xem Trận chiến đấu phòng không 24-27.7.1965). Sự xuất hiện bất ngờ của lực lượng không quân và tên lửa bắn rơi nhiều máy bay đã gây nhiều lúng túng và buộc Mĩ phải thay đổi cách đánh. Trong năm 1965, hệ thống phòng không ba thứ quân của quân dân miền Bắc có đủ khả năng đánh địch ở mọi tầm bay, bắn rơi 834 máy bay, bắt nhiều phi công, bảo đảm việc vận chuyển chi viện cho miền Nam ngày càng tăng.

Nhân dân miền Bắc “Tay cày, tay súng’’ 


Sau khi ngừng ném bom nhân dịp lễ Nôen và năm mới (24.12.1965-31.1.1966), bước vào những tháng đầu năm 1966, cùng với việc tiến hành cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất ở miền Nam, Mĩ tiếp tục đánh phá miền Bắc với mức độ ác liệt hơn và sử dụng các biện pháp đối phó với lực lượng phòng không của ta một cách quyết liệt hơn. Không quân Mĩ tăng cường độ và quy mô đánh phá đường bộ, đường sắt ở nam, bắc sông Hồng, đường 5,18, trục đường 12 phía tây Quảng Bình, sử dụng máy bay B-52 đánh đèo Mụ Giạ (12-27.4.1966). Từ cuối tháng 4.1966, không quân Mĩ mở đợt đánh phá vào hệ thống các trận địa phòng không ở Văn Điển (Hà Nội), Đan Phượng (Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội) và một số khu công nghiệp (Uông Bí, Mỏ than cẩm Phả, Nhà máy Điện Cao Ngạn, Khu Gang thép Thái Nguyên...); tiếp đó, đánh phá hệ thống kho xăng dầu (13 mục tiêu) trên tất cả các khu vực như Đức Giang (Hà Nội), Thượng Lý (Hải Phòng), Kim Môn ( nay là Kim Thành và Kinh Môn, Hải Dương), Nam Định, Thái Nguyên, Bố Hạ (Hà Bắc, nay thuộc Bắc Giang), Thanh Hoá, Nghệ An. Phối hợp với không quân, lực lượng hải quân Mĩ cũng mở Chiến dịch Rồng biển (10.1966-10.1968) bắn phá và ngăn chặn, phong toả vùng ven biển miền Bắc từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 18. Cuối năm 1966, sau một thời gian tăng cường trinh sát, thăm dò dư luận, Giônxơn quyết định mở rộng đánh phá các mục tiêu ngoại vi Hà Nội như Ga xe lừa Yên Viên, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Xưởng sửa chữa ô tô Văn Điển, Tứ Ki, sau đó đánh một số điểm trong trung tâm tp Hà Nội như khu Giảng Võ, phố Hàng Chuối, phố Nguyễn Thiệp...
Từ 22.2.1967-31.3.1968, Mĩ leo thang đánh phá tất cả các cơ sở công nghiệp của miền Bắc, đánh vào Hà Nội, Hải Phòng với mức độ ác liệt và quy mô lớn hơn nhằm triệt đường viện trợ quốc tế vào miền Bắc, cắt nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam, phá huỷ tiềm lực kinh tế, cô lập Hà Nội, Hải Phòng, làm tê liệt hệ thống giao thông vận tải. Ngày 22.2.1967, pháo binh Mĩ ở bờ nam sông Bến Hải bắn phá dữ dội sang bờ bắc. Ngày 24.2, Mĩ sử dụng hải quân mở rộng phạm vi đánh phá lên vĩ tuyến 20; ngày 27.2, sử dụng máy bay thả mìn phong toả các cửa sông Cả, sông Gianh, Cửa Sót, sông Mã... Từ 24.2, Mĩ tiến hành đánh phá các mục tiêu công nghiệp (các Nhà máy Điện Uông Bí, Hòn Gai, Phân đạm Hà Bắc, Hoá chất Việt Trì, Khu Gang thép Thái Nguyên, Xi măng Hải Phòng...), đầu mối giao thông, các cầu ở Hải Phòng và vùng ngoại vi Hà Nội (Đông Anh, Yên Viên, Văn Điển, Thượng Đình, Nhà máy Điện Yên Phụ). Đặc biệt, từ 8-12.1967, Mĩ tập trung lực lượng lớn mở nhiều đợt đánh lớn vào Hà Nội và Hải Phòng, mỗi đợt huy động hàng nghìn lần chiếc máy bay, đánh liên tục 4-5 ngày, nhằm huỷ diệt các cơ sở công nghiệp, các đầu mối giao thông, trận địa phòng không và khu vực đông dân...
Trước các hành động leo thang chiến tranh nghiêm trọng của Mĩ, tháng 7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí lệnh động viên cục bộ để tăng cường lực lượng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến tới thắng lợi. Trong năm 1966, quân dân miền Bắc liên tiếp đánh bại các cuộc đánh phá của không quân và hải quân Mĩ, bắn rơi 773 máy bay, bắn cháy, bắn chìm 28 tàu (trong đó đợt từ 17.7 đến 17.8.1966, bắn rơi 138 máy bay; là một trong những tháng bẳn rơi nhiều máy bay nhất). Năm 1967, dự đoán đúng âm mưu của địch, ta kịp thời tập trung lực lượng trên các khu vực mục tiêu quan trọng, đặc biệt có thời điểm tập trung trên 50% số đơn vị pháo phòng không, tên lửa và toàn bộ lực lượng không quân để kiên quyết đánh bại các đợt đánh phá của địch vào Hà Nội. Từ 5.1967, tác chiến phòng không bảo vệ các yếu địa và bảo vệ giao thông vận tải đã phát triển thành các đợt tác chiến lớn (đặc biệt ưong tháng 10-11.1967, ta đã tiến hành chiến dịch phòng không bão vệ Hà Nội, Hải Phòng giành thắng lợi lớn), hiệp đồng binh chủng mang tính chất các chiến dịch phòng không hiện đại (xem thêm Đợt tác chiến phòng không, 10.1967). Cũng trong thời gian này, ta đưa một số đơn vị tên lửa vào nam vĩ tuyến 20 để nghiên cứu đánh máy bay B-52 và tăng cường khả năng phòng không trên hướng Quân khu 4... Bằng cách đánh mưu trí sáng tạo, kết hợp giữa tác chiến bảo vệ khu vực trọng điếm và tác chiến cơ động, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng phòng không, trong năm 1967, quân dân miền Bắc bấn rơi 1.067 máy bay, bắt 161 phi công, bắn chìm, bắn cháy 69 tàu chiến, trong đó có nhiều đợt tác chiến, nhiều trận đánh hiệu suất cao như trận đánh bảo vệ Hà Nội (ngày 19.5) bắn rơi 10 máy bay; đợt tác chiến tháng 8, tháng 10, tháng 12 ở Hà Nội bắn rơi 20 máy bay: ngày 17.10, tiểu đoàn pháo phòng không ở Đáp cầu bẳn rơi 5 máy bay; ngày 17.9, đơn vị tên lửa cơ động ở Vĩnh Linh - Quảng Bình bắn rơi máy bay B-52...
Với thắng lợi của quân và dân miền Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), ngày 31.3.1968, Tống thống Giônxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Tuy nhiên, Mĩ vẫn tăng cường máy bay trinh sát các mục tiêu ở miền Bắc và tập trung không quân, hải quân đánh phá quyết liệt hệ thống giao thông trên địa bàn Quân khu 4. Trong thời gian từ 1.4-31.10.1968, địch đánh 2.019 lần với 5.300 lần chiếc máy bay, ném khoảng 37.500 t bom, thả 5 nghìn quả mìn.
Quân chủng Phòng không - Không quân tố chức đợt đánh tập trung kéo dài 7 tháng cùng quân dân trên địa bàn Quân khu 4 bắn rơi 425 máy bay, bắn cháy 31 tàu chiến, tích cực góp phần bảo vệ các tuyến giao thông chi viện cho miền Nam. Bị thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam, Bắc, đồng thời trước sức ép của cuộc tranh cử tổng thống, ngày 1.11.1968, Mĩ buộc phải chấm dứt vô điều kiện việc ném bom đánh phá miền Bấc, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại lần I. Trong gần 4 năm, không quân Mĩ đánh phá 191.229 trận, ném xuống miền Bắc 700 nghìn tấn bom đạn, gấp gần hai lần số lượng bom đạn sử dụng ở chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, bằng 3/5 số lượng bom đạn ném xuống châu Âu trong Chiến tranh Thế giới-II, nhưng cuối cùng vẫn thất bại, không đạt được mục tiêu đề ra. Quân dân miền Bắc bắn rơi 3.243 máy bay, bắt 363 phi công, bắn cháy, bắn chìm 143 tàu chiến, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia.
Giai đoạn 2 (6.4.1972-15.1.1973), chiến tranh phá hoại lần II. Ngày 30.3.1972, quân và dân miền Nam Việt Nam mở cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường miền Nam, đẩy chiến lược Việt nam hoá chiến tranh của Mĩ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình hình, ngày 6.4.1972, Tổng thống Nichxơn quyết định huy động lực lượng lớn không quân và hải quân đánh phá trở lại miền Bắc nhàm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và buộc ta phải chấm dứt các cuộc tiến công ở miền Nam. Mở đầu là Chiến dịch Lainơbêchcơ (6.4-22.10.1972), sử dụng không quân, hải quân đánh phá ồ ạt các mục tiêu quân sự, kinh tế, hệ thống giao thông, đê điều và khu dân cư từ Vĩnh Linh đến Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn..., đồng thời thả hàng nghìn quả thuỷ lôi, mìn từ trường phong tỏa các cảng biển, cửa sông và vùng biến gần bờ ở vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt trong các ngày 10-16.4.1972, Mĩ dùng máy bay B-52 đánh phá khu vực Bến Thuỷ, thị xã Vinh, Thọ Xuân (Thanh Hoá), Hải Phòng; tháng 5-10.1972, thả thuỷ lôi và mìn từ trường xuống tất cả các cửa sông, cảng biến và nhiều vùng ven biến từ Móng Cái đến Vĩnh Linh. Trong gần 7 tháng, không quân Mĩ sử dụng 40.500 lần chiếc máy bay, trong đó có 3 nghìn lần chiếc B-52 với cường độ xuất kích 250-350 lần chiếc (18- 27 lần chiếc B-52 ngày), ném 137 nghìn tấn bom xuống các mục tiêu quân sự và dân sự, tập trung đánh phá các trọng điểm giao thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quàng Bình, các thành phố, khu công nghiệp. Quân và dân miền Bắc bắn rơi 654 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 125 tàu chiến; phá gỡ hàng trăm thuỷ lôi, bom từ trường; duy trì việc tiếp nhận viện trợ quốc tế, đẩy mạnh chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Bị tổn thất lớn và không đạt được mục tiêu, ngày 22.10.1972, Tổng thống Nichxơn tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra nhằm xoa dịu dư luận và phục vụ cho việc tái tranh cử tổng thống nhiệm kì hai.
Sau khi Nichxơn tái đắc cừ Tổng thống, Mĩ tiếp tục mở cuộc tập kích đường không quy mô lớn ra phía bắc vĩ tuyến 20 với mật danh “Lainơbêchcơ II” (18-30.12.1972), trong đó tập trung đánh phá các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận nhằm phá hủy tiềm lực kinh tế và quốc phòng của miền Bắc, đồng thời buộc ta phải trở lại bàn đàm phán ở Pari trên thế yếu và chấp nhận một số điều khoản của hiệp định có lợi cho Mĩ. Thực hiện ý định trên, Mĩ tập trung toàn bộ lực lượng không quân ở các căn cứ tại Thái Lan và tàu sân bay, trong đó các đơn vị máy bay ném bom chiến lược B-52 cất cánh từ Utapao (miền Nam Thái Lan) và căn cứ đảo Guam (Thái Binh Dương) là lực lượng chính cùa cuộc tập kích. Trong chiến dịch này, không quân Mĩ sử dụng chiến thuật tập kích ồ ạt, liên tục vào ban đêm, kết hợp đánh phá kéo dài cả ban ngày, dùng đội hình lớn có bảo vệ, ném bom ớ độ cao lớn (B-52 từ 9 đến 1 Ikm) kết hợp với đánh phá ở độ cao trung bình và rất thấp (F-l 11 từ 500 m đến 1 km), áp dụng các biện pháp nghi binh và gây nhiễu phức tạp, dùng các loại vũ khí có điều khiển tự động kết hợp với vũ khí thông thường. Trong 3 đêm đầu, cường độ xuất kích của máy bay B-52 từ 87 đến 95 lần chiếc/đêm; 4 đêm tiếp theo chỉ còn từ 24 đến 33 lần chiếc/đêm. Sau ki nghỉ lễ Nôen, ngày 26.12, Mĩ huy động cao nhất máy bay B-52 (105 lần chiếc) cho chiến dịch nhằm oanh tạc ác liệt tất cả các mục tiêu kinh tế, Quân sự, giao thông và làm rối loạn hệ thống phòng không của miền Bắc (xem Trận chiến đấu phòng không 26.12.1972).

 

Trong suốt 12 ngày đêm đánh phá liên tục, lực lượng không quân Mĩ sử dụng 729 lần chiếc B-52, 1.900 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Mỏ, Kép, Thái Nguyên; ném bom xuống các bệnh viện, trường học, khu phố đông dân, nhà ga, bến xe, trong đó, riêng tại khu vực Hà Nội, tập trung tới 444 lần chiếc B-52 (chiếm 66% số lần máy bay B-52 xuất kích) và hơn 1 nghìn lần chiếc máy bay cường kích để đánh phá huỷ diệt nhằm đạt mục đích chủ yếu của cuộc tập kích. Nhờ có sự chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức, các lực lượng phòng không - không quân phối hợp với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đánh bại hành động leo thang chiến tranh của Mĩ, bắn rơi 81 máy bay (34 máy bay B-52, 5 F-111), diệt và bắt nhiều phi công (x. Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, 18-29.12.1972). Bị tổn thất lớn và không đạt được mục đích chiến dịch, ngày 30.12.1972, Mĩ buộc phải xuống thang, chấp nhận ngừng ném bom và bắn phá phía bắc vĩ tuyến 20; ngày 15.1.1973, tuyên bố chấm dứt hoàn toàn không điều kiện mọi hoạt động đánh phá miền Bắc và chấp nhận kí Hiệp định Pari (27.1.1973), kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần II, Mĩ đã huy động 31,5% lực lượng máy bay chiến thuật, 37,5% máy bay chiến lược, 42,8% tàu sân bay, trong đó không quân Mĩ sử dụng hơn 54 nghìn lần chiếc máy bay (3.280 lần chiếc B-52), ném hơn 200 nghìn tấn bom xuống miền Bắc. Quân và dân miền Bắc bắn rơi 735 máy bay (có 61 máy bay B-52, 13 máy bay F-111), bắn chìm, bắn cháy 125 tàu chiến, hàng trăm phi công Mĩ bị chết và bị bắt.
Trong Chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc Việt Nam, không quân và hải quân Mĩ thực hiện 211.482 lần đánh phá miền Bắc trong đó có 139.891 lần đánh phá ban ngày (66,1%) và 71.591 lần đánh ban đêm (33,9%); huy động 354.638 lần chiếc máy bay, trong đó có 347.445 lần chiếc máy bay chiến thuật (98%) và 7.193 lần chiếc máy bay B-52 (2%). Từ 1967 đến 1972, Mĩ huy động trên 1.200 máy bay chiến thuật của không quân và hải quân, 32% lực lượng không quân chiến thuật và 50% lực lượng không quân chiến lược; sử dụng 15/18 tàu sân bay, hơn 900 nghìn tấn bom, tập trung đánh phá 55,6% đường giao thông, 28,1% các mục tiêu dân sự, 9,7% mục tiêu quân sự, 6,6% mục tiêu kinh tế. Tổng chi phí cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam là 11,35 tì USD. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ gây thiệt hại nặng về người và của cho nhân dân miền Bắc, gần 80 nghìn người chết, 200 nghìn người bị thương, 70 nghìn trẻ em mồ côi; nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng bị phá hoại, với 100% nhà máy điện, 15 nghìn/16 nghìn công trình thuỷ lợi, 1 nghìn quãng đê xung yếu, 6 tuyến đường xe lửa, 66/70 nông trường và hầu hết cầu cống của miền Bắc bị hư hại. Mặc dù vậy, bằng tinh thần chiến đấu kiên cường và sáng tạo, quân dân miền Bắc bắn rơi gần 4 nghìn máy bay các loại (68 máy bay B-52 và 13 F-111), bắt nhiều phi công Mĩ.
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mĩ là một trong những cuộc chiến tranh bằng lực lượng không quân và hải quân quy mô lớn, dài ngày nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới hiện đại. Với ưu thế về vũ khí, trang bị hiện đại và khối lượng bom đạn sử dụng rất lớn, Mĩ cho rằng có thể đánh qụy và “đẩy lùi miền Bắc về thời kì đồ đá” trong một thời gian ngắn, nhưng quân dân miền Bắc hai lần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại và làm thất bại một bộ phận quan trọng chiến lược chiến tranh xâm lược của Mĩ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của cuộc kháng chiến, đảm bảo sự chi viện liên tục cho cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong chống chiến tranh phá hoại của Mĩ là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân, đánh địch bằng mọi vũ khí, trang bị, xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, tạo nên một hệ thống phòng không thống nhất; là thắng lợi của sự vận dụng đồng thời 2 phương thức tác chiến chiến lược: tác chiến phòng không tại chỗ rộng khắp, liên tục của lực lượng phòng không ba thứ quân trên từng địa bàn và tác chiến phòng không tập trung hiệp đồng quy mô lớn trên cơ sở lực lượng phòng không của quân chủng làm nòng cốt, với thế trận phòng không nhân dân trong những thời điểm quyết định đế giành thắng lợi.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)