Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Sultan Ahmed Al Jaber (giữa) và các đại biểu tại phiên họp toàn thể của COP 28 ở Dubai, UAE ngày 13/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) diễn ra từ ngày 30/11 đến 13/12/2023, tại thành phố Dubai của Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", COP28 đã thu hút sự tham gia của khoảng 70.000 người, trong đó có hơn 160 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, môi trường, giới khoa học cũng như thanh niên từ khắp nơi trên thế giới. Đây là con số kỷ lục so với mọi kỳ COP trước đây. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 và tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 77 và Trung Quốc về biến đổi khí hậu, chiều 2/12/2023 (giờ địa phương). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

COP28 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây thực sự là một bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu, báo hiệu sự kết thúc sớm của “kỷ nguyên dầu mỏ”.

COP28 đã huy động được khoảng hơn 80 tỷ USD cam kết tài chính khí hậu dành cho các chương trình nghị sự biến đổi khí hậu khác nhau; 124 nước đã ký vào Tuyên bố về khí hậu và sức khỏe; 63 quốc gia cam kết tham gia vào Tuyên bố làm mát toàn cầu, hay còn gọi là Tiết kiệm năng lượng; 134 nước thông qua Tuyên bố nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; 118 quốc gia thống nhất mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất phát điện tái tạo lên khoảng 11.000 Gigawatt và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030,…