Doanh nhân Đỗ Đình Thiện (1904-1972)

Ông Đỗ Đình Thiện sinh năm 1904 tại làng Noi (nay thuộc Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), có bố là thư ký cho một chủ đồn điền Pháp nhưng mất sớm. Ông Thiện được mẹ nuôi dưỡng cho học chữ Nho và chữ Quốc ngữ rồi sang Pháp du học.

Tại Pháp ông học trường Đại học Canh Nông (Toulouse), vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1928. Ông bị cảnh sát Pháp bắt giữ khi trao truyền đơn cách mạng cho những binh sĩ người Việt Nam đang trên đường hồi hương, bị kết án 4 tháng tù và bị trục xuất về nước.

Khi về nước ông vẫn tiếp tục bị kiểm soát gắt gao, không thể trực tiếp hoạt động cách mạng được, ông chuyển sang làm kinh tế, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi dựng nhà máy, lập đồn điền… để khi có điều kiện sẽ ủng hộ cách mạng, giúp đỡ các đồng chí mình hoạt động. 

Năm 1946, trước khó khăn của Đảng không có nhà in riêng để in tiền, ông mua lại nhà in của Pháp và hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Tháng 3/1946, nhà máy in tiền Tôpanh được chuyển về đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình) của gia đình ông.

Ông được cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương ở Hà Nội, đóng góp nhiều tiền, vàng cho chính quyền cách mạng. Không những vậy, ông còn mua đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do hoạ sĩ Nguyễn Sáng vẽ với giá một triệu đồng Đông Dương (khoảng gần 2.000 lạng vàng), sau đó tặng cho Ủy ban kháng chiến hành chính Thành phố Hà Nội. Việc làm này của ông được đánh giá là để nhằm biểu thị lòng tin tưởng của nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, chống lại những âm mưu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời để tăng ngân sách cho chính quyền cách mạng.

Lúc mới giành được chính quyền, Nhà nước chưa có bộ phận lễ tân chuyên trách do vậy việc tiếp các vị khách đặc biệt được giao cho một số gia đình có điều kiện ở Hà Nội. Ngôi nhà ở 54 Hàng Gai của gia đình ông bà Thiện trở thành "nhà khách" của Chính phủ.

Đồn điền Chi Nê không những trở thành nơi dưỡng quân cho các đơn vị trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, điểm dừng chân của nhiều lãnh đạo Đảng. Từ cuối năm 1945 đầu năm 1946, nơi đây còn là cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, trú quân cho các đơn vị lực lượng vũ trang Chiến khu 2.

Trong chuyến đi Pháp năm 1946, ông còn trở thành thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1947, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con nhỏ lên Việt Bắc theo cuộc kháng chiến 9 năm.

Ông bà đã giao lại đồn điền Chi Nê cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý, đồng thời đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).

Ông qua đời năm 1972./.