Hà Nội (TTXVN 26/7/2023) Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả của những áng văn thơ nổi tiếng về những dòng sông như “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. hơn 20 năm sống trên giường bệnh, phải di chuyển bằng xe lăn là từng ấy thời gian ông nhớ thương những dòng sông, như ông từng nói: “Những dòng sông luôn mang lại cảm xúc sáng tác cho tôi, đã nuôi dưỡng tâm hồn văn học tôi từ nhỏ cho đến bây giờ và mãi mãi sau này”.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. (Ảnh tư liệu)

* Nhà văn của những dòng sông

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra và lớn lên tại Huế nên từ nhỏ ông đã gắn bó với dòng Hương Giang. “Ngoài những giờ lên lớp, mỗi ngày tôi đều tắm sông cùng với nhóm bạn học, ngày nào không ra sông lại thấy hụt hẫng như thiếu một điều gì đó”, nhà văn kể lại. Ông nói rằng chính sông Hương đã nuôi mạch máu văn chương trong con người ông, giúp những mạch máu ấy lan toả và sống mãi cho đến hôm nay: “Những kỷ niệm thời ấu thơ như những đêm nghe ca Huế dù đã cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn không quên. Ngày đó những đêm ca Huế không sân khấu đèn màu, không micro, người nghe ngồi bệt dưới nền đất để thưởng thức âm nhạc… Những kỷ niệm dung dị đó đã ám ảnh suốt những năm tháng tôi xa sông Hương sau này, để bài ký đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của tôi là con sông quê hương”.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Sử thi buồn”… và rất nhiều sáng tác khác của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều có dấu ấn của sông Hương thơ mộng. Ông ví sông Hương như một cô gái di gan, tức thiếu nữ mang trên mình vẻ đẹp dịu dàng pha chút hoang sơ, man dại của núi rừng, nhưng lại có lúc hiền hòa như một thiếu nữ hiền thục. “Giúp tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ yên tĩnh, là bối cảnh sống để suy nghĩ và viết về cuộc sống một cách sâu sắc nhất”, ông nói.

Hoàng Phủ Ngọc Tường tự nhận mình có duyên nợ với những dòng sông. Trong lần về quê nội Quảng Trị, nhà văn rung động trước cảnh người mẹ chèo đò đưa quân sang sông Bến Hải. “Khi tôi hỏi, mẹ nói rằng con mẹ đã hy sinh trên dòng sông này nên mẹ căm thù lũ giặc cướp nước, mẹ thề sẽ chèo đò đưa bộ đội cho đến khi không còn sức để giữ tay chèo được nữa. Chính cảm xúc của bà mẹ anh hùng khiến tôi kính trọng đã là đề tài của nhiều tác phẩm tôi viết sau này”, nhà văn nói.

Ông đã từng gặp hầu hết những dòng sống chảy trên đất mẹ Việt Nam. Từ sông Hương, bước chân của ông đã đến đoạn sông Hồng chảy vào đất Việt Nam, con sông Đà hoang sơ, sông Bến Hải, những ngọn suối góp nước thành sông chảy dọc dãy Trường Sơn, rồi chín cửa sông dòng Cửu Long đổ ra biển lớn… “Tôi nhớ những con sóng vỗ bờ, vỗ mạn thuyền những đêm nằm thao thức. Đã xa rồi, đã lâu rồi không nghe lại tiếng sóng thân quen ấy, nhưng dường như những tiếng sóng ấy đã tạo cho tôi ý chí vươn lên trong cuộc sống”, nhà văn tâm sự.       

Bảy cuốn bút ký viết trên giường bệnh của ông có đóng góp lớn nhờ hoài niệm về những dòng sông.

Trong bài ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, ở đoạn cuối tác giả đặt câu hỏi bâng quơ: “Ai đã đặt tên cho dòng sông Hương? Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi ấy, trong đó tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bên bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi…”. Niềm thương nhớ những dòng sông đã tạo nên một cây bút Hoàng Phủ Ngọc Tường, và có người nói: “Sông miệt mài chảy về biển lớn không ngơi nghỉ và Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng chính là một dòng sông, miệt mài sáng tác không ngơi nghỉ để đóng góp cho đời những áng văn thơ hay”.

* Người thổi hồn vào ký

Nếu Nguyễn Tuân “viết tùy bút như một công trình khoa học” (theo Phan Ngọc), thì ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là những thi phẩm văn xuôi với nhiều cung bậc của cảm xúc và lý trí hoà quyện. Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường, văn chương của mỗi người có phong cách riêng, đã góp phần quan trọng khẳng định ký là một thể loại đặc sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình làm giàu và làm đẹp tiếng Việt.

Hoàng Phủ Ngọc Tường “đã chọn bút ký là thể loại văn xuôi tiêu biểu… (là) duy nhất và không thể thay thế được”, như ông tâm sự về nghề văn. Đó là một lựa chọn có nền tảng – nền tảng của học vấn, của chiêm nghiệm và hơn nữa là nền tảng của tâm hồn.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác giả biết chắt chiu, nuôi dưỡng và sử dụng ký ức hiệu quả. Trong mỗi tác phẩm ký của ông, ký ức là nhân tố gắn kết vững chắc các yếu tố hình thành nên tác phẩm. Không dừng lại ở những kỷ niệm, bằng những chiêm nghiệm và kiến văn sâu rộng, Hoàng Phủ Ngọc Tường dựng nên tác phẩm ký Ngọn núi ảo ảnh đẹp như một bức khảm vỏ trai, vỏ ốc hài hoà và tinh xảo, bất kỳ ở góc nhìn nào cũng đều thấy ánh lên độ sáng vừa thực vừa ảo.

Ông còn là người kể chuyện bằng thể ký. Bám sát các sự kiện, các nhân vật một cách chân thực, nhưng không lệ thuộc, ông thổi vào đối tượng điệu hồn mang cốt cách của những thực thể, mà tính cá thể ấy vận động trong tổng thể xác định không thể tách rời. Không để lại dấu vết hư cấu, bút pháp ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không che khuất nghệ thuật cấu trúc truyện cũng như nghệ thuật nhân cách hoá và ẩn dụ của thơ.

Một trong những ấn tượng nổi trội ở các tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là tình yêu thiên nhiên, một tình yêu luôn luôn là bà đỡ để ông cảm thụ và đem lòng yêu từng chi tiết của mỗi mảnh đất cụ thể. Ông viết: “Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ” và “Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế” (Miền cỏ thơm). Phải có hiểu biết và chiêm nghiệm sâu sắc mới có thể biểu tả thành cảm xúc như thế.

Con người và thiên nhiên trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường quấn quýt và nâng đỡ nhau như hình với bóng. Bằng kiến văn của mình, ông chứng minh: trên nền tảng thiên nhiên ấy, trí tuệ và sức vóc con người Huế đã kiến tạo nên một vùng văn hoá Huế, mà thành phố Huế là nhân lõi, chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp đặc trưng của lịch sử hình thành và phát triển, vừa thống nhất với đặc điểm văn hoá dân tộc vừa mang những sắc thái riêng, độc đáo và thi vị. Ký ức của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đầy đủ các yếu tố địa-sử-văn-triết và qua cách biểu cảm ông đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu văn hoá. Trong tư duy sáng tạo nghệ thuật, Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự coi trọng yếu tố địa lý, xem các thành tố của thiên nhiên là những thực thể, đưa chúng vào cùng vận động với sự chuyển biến của tác phẩm, chứ không chỉ “mượn” thiên nhiên nhằm làm “đẹp” tác phẩm như ở khá nhiều người viết khác. Đặc điểm này góp phần cấu thành nên phong cách ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

* Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời tại nhà riêng vào ngày 24/7/2023, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/7/2023. Thông tin nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời khiến giới văn nghệ sĩ không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937 tại Huế, quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Thời niên thiếu, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh sống và học tập tại Huế. Sau khi học hết bậc trung học ở Huế năm 1960, ông chuyển vào TP Hồ Chí Minh học tại Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán - Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó ông quay trở lại Huế và tiếp tục việc học tại Trường Đại học Văn khoa Huế. Năm 1964, ông tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Triết học tại ngôi trường này.

Trong khoảng thời gian từ năm 1960-1966, ông dạy tại Trường Quốc học Huế và tham gia tích cực vào các phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mỹ, đòi độc lập, thống nhất đất nước.

Năm 1966-1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường thoát ly gia đình và di chuyển lên các chiến khu để góp sức vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ.

Ông viết văn và viết báo từ khi còn rất trẻ. Ông cũng từng nắm giữ nhiều chức vụ: Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình-Trị-Thiên, Tổng Thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình thành phố Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình-Trị-Thiên, Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng Biên tập tạp chí Cửa Việt.

Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gửi đến bạn đọc 20 đầu sách.

Về bút ký có: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971); Rất nhiều ánh lửa (1979, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam, 1980-1981); Ai đã đặt tên cho dòng sông (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1984); Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984); Hoa trái quanh tôi (1995); Huế - di tích và con người (1995); Ngọn núi ảo ảnh (2000); Trong mắt tôi (bút ký phê bình, 2001); Rượu hồng đào chưa uống đã say (truyện ký, 2001); Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (bút ký văn hóa, 2005); Miền cỏ thơm (2007); Ai đã đặt tên cho dòng sông, Tinh tuyển bút ký hay nhất (Nhà xuất bản  Hội Nhà văn, 2010).

Về thơ, các tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm: Những dấu chân qua thành phố (1976); Người hái phù dung (1992).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bạo bệnh vào năm 1998, nhưng ông vẫn tiếp tục viết trên giường bệnh trong suốt 20 năm qua. Các tác phẩm của ông thời gian sau này có: Nhàn đàm (Nhà xuất bản  Trẻ, 1997); Người ham chơi (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998); Miền gái đẹp (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2001, Tặng thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2001) và Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (4 tập, Nhà xuất bản Trẻ, 2002).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1980; Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 1999, 2008; Giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998-2003); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007./.

Phương Phương (tổng hợp)