Vào ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Hơn bảy thập kỷ qua, Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh và luôn làm tốt vai trò là người thư ký trung thành trong mọi thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước, đóng góp công sức và trí tuệ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng

Hội Nhà báo Việt Nam là một trong những hội Chính trị-Xã hội-Nghề nghiệp ra đời sớm nhất ở nước ta. Bởi ngay từ buổi ban đầu thành lập, Đảng ta đã xác định báo chí là một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sĩ. Các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta đều là các nhà báo, điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp…

Ngày 4/4/1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.

Trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Đến tháng 9/1950, Hội Những người viết báo Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).

Nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.

Trải qua 11 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, trong suốt những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội. Số người làm báo gia nhập Hội tăng nhanh, tính đến tháng 4/2022, Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 21.200 hội viên, sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp Hội, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 205 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội.

Nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là một trong những nhiệm vụ được Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt quan tâm, đặt lên hàng đầu. Trong những năm qua, Trung ương Hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức cho hội viên học tập và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động và tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Hội, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng tập thể Hội trong sạch, vững mạnh gắn liền với việc triển khai thực hiện tốt Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, thực hiện chế độ sinh hoạt đối với hội viên là phóng viên các cơ quan báo chí thường trú tại địa phương được các cấp Hội bám sát và thực hiện đầy đủ.

Cùng với đó, công tác nghiệp vụ luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp Hội. Trung ương Hội và các cấp Hội đã tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt nghiệp vụ phong phú, phối hợp tổ chức các giải báo chí cùng nhiều hoạt động nghiệp vụ với nội dung thiết thực, chất lượng cao được đội ngũ người làm báo tích cực hưởng ứng. Riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội đã phối hợp với các cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế tiến hành hơn 500 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 15.000 học viên với nhiều loại hình đào tạo. Các cấp hội trong cả nước đã tổ chức hàng trăm lớp ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, với những nội dung thiết thực, cập nhật, nhất là về các kỹ năng làm báo hiện đại. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức tốt nhiều hội thảo, diễn đàn, giao lưu, tọa đàm về nghiệp vụ báo chí, các vấn đề, xu hướng của báo chí-truyền thông hiện đại.

Hằng năm, việc tổ chức Lễ trao Giải Báo chí quốc gia đều được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), có sức lan tỏa sâu rộng, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định và nâng cao. Hội cũng phối hợp và tham gia với các ban, bộ, ngành trung ương tổ chức thành công nhiều giải báo chí chuyên ngành của Hội Nhà báo Việt Nam và các giải báo chí liên ngành khác... Hội còn tổ chức thành công Hội Báo toàn quốc trên nền tảng của Hội Báo xuân. Không chỉ là “món ăn tinh thần” quan trọng dịp Tết đến xuân về, Hội Báo toàn quốc còn là dịp để giới thiệu về sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của báo chí cách mạng nước nhà cả về mặt con người lẫn công nghệ làm báo.

 Góp phần quan trọng vào sự nghiệp báo chí nước nhà

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội, trong suốt hơn bảy thập kỷ qua Hội Nhà báo Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ thông tin, là người thư ký trung thành trong mọi thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước. Tập hợp các nhà báo hoạt động trên khắp mọi miền đất nước, thông qua các sản phẩm báo chí đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và bảo vệ tổ quốc, đã có hàng nghìn nhà báo xung phong vào bộ đội, đi các chiến trường, có mặt trên tất cả các trận tuyến, chiến đấu bằng ngòi bút của mình và khi cần thì cả bằng vũ khí như những người lính thực thụ góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Đã có hơn 400 nhà báo hy sinh trên khắp các chiến trường. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam; là những nhà báo gạo cội như Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang… với những bài báo khai phá, mở đường cho đổi mới tư duy, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc trong xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.  

Ngày nay, những người làm báo tiếp tục phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha, có mặt ở những “điểm nóng”, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng: tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; tích cực phát hiện, cổ vũ, động viên gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực; chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; hăng hái thâm nhập thực tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ…; các nhà báo cũng dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện trì trệ, tiêu cực.

Đặc biệt, trong hơn hai năm bùng phát dịch COVID-19, hàng trăm nhà báo đã không ngại hiểm nguy, có mặt trên mọi tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin, cổ vũ những việc làm cao đẹp của lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an, cán bộ cơ sở, những cá nhân, cộng đồng; tích cực tuyên truyền phòng, chống đại dịch. Có thể khẳng định, trong những thành tích lớn lao của báo chí cách mạng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có công lao to lớn của Hội Nhà báo Việt Nam và đông đảo hội viên trên cả nước.

Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, lực lượng báo chí cách mạng và Hội Nhà báo Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2000), Huân chương Sao Vàng (năm 2010). Hội Nhà báo Việt Nam đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng bức trướng mang dòng chữ: “Báo chí Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (năm 2000) và bức trướng mang dòng chữ: “Báo chí Việt Nam trung thành, sáng tạo, bản lĩnh, đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (năm 2010)… ./.

                                                                                                        Minh Duyên (tổng hợp)