Sân bay Mường Thanh được ví như chiếc dạ dày của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Mỗi ngày máy bay vận tải của địch tiếp tế khoảng 200-300 tấn hàng cho nơi này. Từ cuối tháng 3, đường băng sân bay không còn đón được máy bay hạ cánh nữa nhưng vẫn có tác dụng làm bãi hứng dù tiếp tế nên địch hết sức chú ý tăng cường phòng thủ. Ngày 16/4/1954, chiến hào của quân ta từ 2 hướng hợp điểm cắt đôi sân bay Mường Thanh. Như vậy là cái dạ dày của tập đoàn cứ điểm đã bị ta đánh chiếm.
Giao thông hào của quân ta cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Chiến hào của quân ta từ 2 hướng hợp điểm cắt đôi sân bay Mường Thanh

Đêm 15/4/1954, đường hào của ta đã lấn vào đến hàng rào thứ tư. Sáng sớm 16/4, nhận được tin này, tướng De Castries (Đờ Cát) hoảng hốt vội tung bộ binh và xe tăng ra giải tỏa. Cuộc chiến đấu giành giật sân bay diễn ra vô cùng quyết liệt. Lực lượng bảo vệ trận địa của Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) phải tốn nhiều xương máu mới giữ vững được thành quả chiến đấu.

4 giờ sáng ngày 16/4 quân Pháp lợi dụng lúc trời còn tối đột nhập vào chiến hào của Đại đội 54. Nhờ bình tĩnh xử trí, Đại đội 54 từ chỗ đang bị địch đột kích bất ngờ chuyển thành chủ động tiến hành một trận phản kích, các lực lượng linh hoạt và hiệp đồng yểm trợ nhau, tiến công từ 3 phía giành thắng lợi giòn giã.

Đêm 16/4/1954, pháo binh địch bắn dữ dội vào đầu hào của ta ở lớp rào thứ tư. Trung đoàn phó Nguyễn Văn Thuần cho bộ đội luồn vào hẳn bên trong sân bay đào hào ngược trở ra và đã nối được trận địa của ta với đường hào chạy dọc sân bay của địch.

Ở phía Bắc sân bay, trận địa của Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) từ 4 phía đã phát triển vào sát cứ điểm 105, có nơi chỉ còn cách hàng rào địch 15 mét.

Ở phía Tây, Đại đoàn 308 sử dụng Trung đoàn 36 vào nhiệm vụ xây dựng trận địa vây ép đánh lấn cứ điểm 206 (Huguette 1) Trung đoàn 88 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh, bắt liên lạc với Trung đoàn 141 đang tiến vào sân bay từ phía Đông. Chỉ trong một đêm, trận địa của trung đoàn 36 lấn lên 200 mét, còn trung đoàn 88 thì luồn vào sát đường băng sân bay. Như vậy, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đã thực hiện được việc đào cắt đôi sân bay Mường Thanh. Trong 4 ngày tiếp sau đó địch tổ chức tám cuộc phản kích nhưng đều bị lực lượng bảo vệ trận địa của Trung đoàn 141 đẩy lui.

Ở phía Đông, các đơn vị của đại đoàn 316 đã có những cố gắng rất lớn trong nhiệm vụ củng cố, giữ vững các vị trí mới đánh chiếm được và trong nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm C2, A1.

Từ khi quân ta đã cắt ngang và kiểm soát sân bay thì địch chỉ còn một cách là thả dù quân tiếp viện và thả dù lương thực, đạn dược tiếp tế. Nhưng vì khu vực của địch quá hẹp, máy bay lại sợ pháo cao xạ của ta không dám xuống thấp nên chỉ một phần dù tiếp tế rơi đúng vào vị trí của chúng, một phần ngày càng lớn rơi vào trận địa của ta. Quân ta đã tích cực dùng hỏa lực bắn phá không cho địch ra nhặt dù để triệt nguồn tiếp tế của chúng, mặt khác tranh đoạt tiếp tế với địch, lấy lương thực, đạn dược của địch bổ sung một phần cho ta.

Trong cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký", Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Hàng ngày, ở Sở chỉ huy, khi nghe báo cáo số địch chết vì bị bắn tỉa, số lương thực, đạn dược thả dù bộ đội đoạt được, tôi lại nghĩ, ta đang cho kẻ địch nếm những đòn cay đắng nhất. Quả như vậy, với cách đánh này, ta đang giành thắng lợi mà không nhiều đạn dược. Mỗi thứ chiến lợi phẩm này đều có những tác động khác nhau, vừa khiến cho kẻ địch đã khốn khó càng khốn khó thêm, vừa mang lại những cái ta đang cần, sẽ biến thành sức mạnh của ta tiếp tục giáng xuống đầu quân địch, lại đỡ công chuyên chở nhiều ngày trên những chặng đường lửa”.

Đại bác của ta yểm trợ cho đội xung kích tiến sâu vào sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Về phía thực dân Pháp: De Castries được thăng hàm Thiếu tướng

 Trong cuốn “Điện Biên Phủ-Cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi” tác giả Howard.R.Simpson viết:

 “Ngày 16/4/1954,  khi De Castries đang xin Hà Nội cho tăng thêm pháo binh thì được biết ông ta được thăng chức thiếu tướng nhưng không phải chỉ một mình ông ta mà cả Langlais, Bigeard, De Séguin, Pazzis và nhiều sĩ quan khác nữa. Nhiều phần thưởng như huân huy chương được thả xuống. Tướng Cogny (Cô-nhi) thông báo ông ta đã thả một hộp đựng quân hàm mà trước đây ông ta đã đeo khi còn là thiếu tướng cho De Castries cùng với rượu cô nhắc và thuốc lá để chúc mừng. Hộp đựng quân hàm đó sẽ không bao giờ tới được tay De Castries vì nó đã rơi vào chiến hào của Việt Minh. Theo nhà văn Ervan Bergot - người đang phục vụ cho Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 thì Đại đội 4 thuộc tiểu đoàn của ông ở cứ điểm Huguette 5 đã lấy được chiếc hộp đó nhưng các chai rượu bị vỡ hết, họ hút hết thuốc lá còn sao thì đem chôn xuống đất. Cuối cùng người ta phải dùng những mảnh kim loại để làm thành các ngôi sao tạm thời cho De Castries. Sau một thời gian, đài phát thanh của Việt Minh lại thông báo chiếc hộp đựng nhiều huân huy chương của Pháp đã rơi vào tay họ”.

 Còn trong cuốn“Chuyện kể chiến thắng Điện Biên Phủ” thì kể rằng: Ngày 16/4/1954, De Castries được thăng hàm Thiếu tướng. Những tên Phó Chỉ huy được thăng Đại tá. Y cố đi đến hầm thương binh để úy lạo và gắn mề đay cho binh lính. Nhưng chính mắt viên thiếu tá Grauyn, thày thuốc của chúng đã nhìn thấy mặt vị tân tướng quân xám ngắt, đôi bàn tay run rẩy suýt đánh rơi mề đay khi nghe tiếng pháo Việt Minh đang nổ ở sân bay Điện Biên Phủ. Viên trung tá Keller (Ken-lê), Tham mưu trưởng của De Castries đã bị loạn thần kinh, suốt ngày đội mũ sắt chui trong hầm. Một viên đại úy trong khu trung tâm khóc sướt mướt, mò đến tận hầm De Castries đòi cho y về Hà Nội. Y rống lên: “Tôi cần sống để về với vợ con tôi, nếu không tôi nhất định sẽ bị pháo binh đối phương kết liễu”. Cảnh sống của địch như thế, tinh thần tướng tá, sĩ quan chúng như vậy bảo làm sao có thể tính chuyện cố thủ đến hết mùa mưa để quân ta mệt mỏi, hao mòn phải bỏ cuộc như Navarre (Na-va) động viên quân lính của chúng”.

Trong các ngày 6 và 7/5, pháo binh ta liên tục tập kích hỏa lực vào Sở Chỉ huy của tướng De Castries và các điểm cao, hỗ trợ bộ binh tiến công tiêu diệt các mục tiêu, toàn bộ chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ, đi đầu là Tướng De Castries ra hàng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ:

Ngày 16/4/1954, tại Đồng bằng Bắc Bộ, bộ đội ta chặn đánh diệt 300 tên địch đi càn ở vùng Duyên Hà (Thái Bình)./.

Thúy Hằng (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, 2024 tr. 1049, 1051

- Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 109 - 110

- Điện Biên Phủ - Cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi, Nxb Công an Nhân dân, tr. 286

- Chuyện kể chiến thắng Điện Biên Phủ, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, 2024, tr. 149.