Ngày 18/3/1954: Ban Bí thư yêu cầu mở rộng tuyên truyền những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ

      Nhân vật liên quan

      • Tổng Bí thư của Đảng (5/1941 - 10/1956) và (7/1986 - 12/1986); Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9/1960 - 7/1981); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7/1981- 6/1987) )Trường Chinh
      • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp
Để kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân ta, ngày 18/3/1954, Ban Bí thư đã có Chỉ thị yêu cầu mở rộng tuyên truyền về những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ.

 

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Chỉ thị của Ban Bí thư về việc mở rộng tuyên truyền những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ nêu rõ:

  “Sau gần bốn tháng bao vây chặt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu tấn công và đến nay đã tiêu diệt hoàn toàn hai vị trí ở vòng ngoài Điện Biên Phủ là Him Lam và Độc Lập. Đồng thời chỉ trong một tuần trọng pháo và cao xạ ta đã phá huỷ và bắn rơi gần 40 máy bay địch. Ngày 17/3, trước sức tấn công của quân ta, một tiểu đoàn ngụy binh Thái kéo cờ trắng ra hàng.

Hiện nay quân ta đang tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch ở Điện Biên Phủ. Ở các chiến trường khác, bộ đội và du kích ta cũng hoạt động mạnh và thu nhiều thắng lợi.

Để nhân đà chiến thắng quân sự này mà đẩy mạnh các công tác khác, các địa phương cần tuyên truyền nhanh chóng và rộng rãi trong toàn quân và toàn dân ta về những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ.

 Trong khi tuyên truyền cần chú ý những điểm dưới đây:

  1. Ý nghĩa chiến thắng này: đây là trận đầu tiên ta đánh một tập đoàn cứ điểm mạnh của địch; ngoài bộ binh, có các binh chủng khác như trọng pháo và cao xạ phối hợp với một quy mô lớn. Trận này đánh mạnh vào kế hoạch quân sự Nava, tức là đánh mạnh vào kế hoạch tiếp tục chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ (chú ý phổ biến bài Xã luận báo Nhân Dân số 172 ngày 16-3-1954 nói về ý nghĩa những trận thắng đầu tiên của ta ở Điện Biên Phủ).

Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót (người thứ hai, hàng sau, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đồng đội trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai địch trong trận mở màn đánh chiếm cứ điểm Him Lam, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

   2. Mục đích tuyên truyền: lấy những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ động viên mọi người phấn khởi thi đua đẩy mạnh các công tác, như phát triển chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, chống địch bắt lính để phối hợp với chiến trường chính và phục vụ tiền tuyến, để phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất và ra sức tăng gia sản xuất ở đồng ruộng, cũng như nhà máy, tích cực cải tiến công tác ở các cơ quan, v.v..

Đồng thời lấy những chiến thắng ở Điện Biên Phủ khuyến khích binh sĩ và dân công ở các mặt trận phấn khởi thi đua giết giặc, lập công lớn hơn nữa.

  3. Khi tuyên truyền phải chú ý giữ bí mật quân sự: chiến sự phát triển đến đâu ta tuyên truyền đến đấy, tuyệt đối không nên để lộ ý định quân sự của ta.

  4. Đồng thời nhắc cho toàn quân và toàn dân ta nhớ rằng địch tuy bị thất bại lớn nhưng chúng sẽ ra sức chống lại. Đặc biệt là bọn đế quốc Mỹ sẽ can thiệp hơn nữa vào chiến tranh xâm lược Việt - Miên - Lào hòng cứu nguy cho thực dân Pháp và mở rộng chiến tranh Đông Dương. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn cố gắng, không được chủ quan, khinh địch.

  5. Đặc biệt trong việc tuyên truyền ra ngoài, không những cần nêu cao những chiến thắng ở Điện Biên Phủ và ở các mặt trận khác của ta, mà còn nhấn mạnh vào một điểm là: nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Miên - Lào, rất tha thiết với hoà bình, nhưng nếu bọn xâm lược cứ tiếp tục chiến tranh thì chúng còn gặp nhiều thất bại lớn hơn nữa và nhất định sẽ bị tiêu diệt (Đài phát thanh và các cơ quan tuyên truyền quốc tế của ta cần chú ý điểm này).

  Các cấp ủy và Ban Tuyên huấn các cấp, Việt Nam Thông tấn xã và các báo chí cần có kế hoạch mở rộng việc tuyên truyền những chiến thắng ở Điện Biên Phủ theo đúng Chỉ thị này.”

 Cũng trong ngày 18/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ra mật lệnh gửi các Đại đoàn 308, 312, 316, 351 giao nhiệm vụ cho các Đại đoàn.

Chiến sĩ pháo cao xạ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích đánh trả quyết liệt máy bay địch. Ảnh: TTXVN

   * Về phía thực dân Pháp:

  Lực lượng không quân của thực dân Pháp bối rối trước hoạt động khống chế sân bay và kiềm chế không quân của pháo binh ta.

  Lauzin (Lô-danh), Tư lệnh Không quân Pháp ở Đông Dương, báo cáo với Nava việc tiếp tế bằng đường không hàng tháng từ 4.000 tấn đã tăng lên tới 10.000 tấn. Dù thả xuống Điện Biên Phủ không có cách gì lấy lại. Nava phải tính đến chuyện cầu cứu Mỹ, đặt mua vải dù, phụ tùng từ Nhật Bản và Philippines để may dù.

  Lauzin (Lô-danh) cũng chỉ thị cho những phi công lái máy bay Dakota phải thả dù ở độ cao 2.000m đến 3.000m để tránh đạn cao xạ của ta, đồng thời chỉ thị nghiên cứu cách thả dù mở chậm.

Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2014

- Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 54, 55, 56.